Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng đã huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn (GTNT) gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giao thương, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Người dân xã Phúc Sen (Quảng Uyên) làm đường nông thôn
Theo Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND, ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp khoảng 100 km nền đường đạt cấp V miền núi; hoàn thành thêm 100 km mặt đường láng nhựa; 80 km mặt đường bê tông xi măng; xây dựng cầu dân sinh theo Đề án xây dựng cầu dân sinh do Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt và theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; đảm bảo 100% số km GTNT đã được đầu tư hoàn chỉnh phải được tổ chức bảo trì theo quy định để duy trì tốt nhất khả năng khai thác của tuyến đường. Tổng nhu cầu nguồn vốn khoảng 2.400 tỷ đồng.
Nghị quyết số 72 đã đưa ra 2 cơ chế sử dụng vật liệu: UBND tỉnh hỗ trợ xi măng để các địa phương làm đường bê tông xi măng và ưu tiên khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi) tại chỗ thông qua việc đăng ký với UBND tỉnh về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác. Năm 2017, UBND tỉnh đã hỗ trợ các địa phương 14,7 tỷ đồng, quý II/2018 hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để mua xi măng làm đường bê tông xi măng các tuyến đường xã, xóm, nhân dân tự khai thác hoặc đóng góp cát, đá, sỏi, nhân công lao động để thi công. Đối với các mục tiêu khác, như: xây dựng đường xã, cầu dân sinh, mở đường bê tông thôn xóm bằng các nguồn vốn hỗ trợ... đều được các địa phương quan tâm chỉ đạo, vận động nhân dân cùng tham gia đạt hiệu quả cao.
Trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai xây mới trên 121 km; cải tạo, mở nền trên 74 km đường huyện, giá trị thực hiện đạt 248 tỷ đồng. Các địa phương đã triển khai nhiều tuyến đường xã, nền đường rộng 2,5 - 5,0 m bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đạt tiêu chí đường loại C trở lên thông qua các nguồn vốn Chương trình 30a, 135, nông thôn mới... Từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã xây dựng mới được gần 395 km; cải tạo, mở nền được trên 287 km đường xã, giá trị thực hiện đạt 890 tỷ 570 triệu đồng. Tiếp tục hưởng ứng phong trào làm đường bê tông xóm, bản với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ”, kết hợp các nguồn ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương, tổ chức lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã thực hiện được gần 209 km; cải tạo, mở nền gần 16 km đường xóm, nội đồng, giá trị thực hiện gần 57 tỷ đồng.
Đối với xây dựng và sửa chữa cầu dân sinh, bằng nguồn vốn WB do Bộ GTVT quyết định đầu tư, gồm 51 cầu với tổng kinh phí đầu tư do Ban Quản lý dự án 3 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bao gồm 5 dự án thành phần. Hiện nay một số gói thầu đã tiến hành xong đấu thầu xây lắp, đang phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện. Với tổng kinh phí trên 43,8 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách, nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng 8 cầu bản bê tông cốt thép; xây dựng mới 3 cầu treo dài 311 m; sửa chữa 6 cầu treo dài 455 m. Hằng năm, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho cấp huyện để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường do cấp huyện quản lý. Riêng đối với cấp xã, kinh phí cấp cho mỗi địa phương 35 triệu đồng/năm, được dùng để mua xi măng làm đường bê tông xi măng.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, các địa phương đã khai thác, kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư; khơi dậy và huy động các nguồn lực trong nhân dân đạt giá trị gần 37 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, trong đó, nhân dân ủng hộ tiền mặt 13 tỷ 473 triệu đồng, ủng hộ vật liệu xây dựng trị giá 1 tỷ 398 triệu đồng, hiến 442.129m2 đất, ủng hộ 95.672 công lao động. Các nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn tập trung phần lớn làm GTNT. Năm 2016, có 8 xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, đến năm 2018 có 30 xã đạt chuẩn.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Uyên Hoàng Huy Hiệp cho biết: Huyện Quảng Uyên đã đa dạng hóa nguồn lực, huy động nguồn lực tại cộng đồng. Từ lập kế hoạch đến triển khai thực hiện, giám sát, quản lý và vận hành công trình thiết yếu, trong đó các công trình GTNT đều đạt hiệu quả... Từ đó có sức lan tỏa, tạo động lực cho toàn xã hội và người dân tham gia. Từ đầu năm 2018 đến nay, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động nhân dân đóng góp được 1,53 tỷ đồng; 421 m3 vật liệu xây dựng; hiến đất 30.991 m2; trên 30.500 ngày công. Toàn huyện phê duyệt đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp được 34 công trình giao thông với tổng chiều dài 47,5 km.
Việc hoàn thành bê tông hóa các tuyến đường nông thôn, xây dựng hoàn chỉnh cầu dân sinh trên mạng lưới đường xã... đã góp phần tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân nông thôn, đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.