Giao thông nông thôn trong tỉnh đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Song hệ thống biển báo hiệu, gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng tại một số địa phương chưa có hoặc đã hỏng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông (ATGT).
Cơ sở thiếu kinh phí
Xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đã đạt tiêu chí nông thôn mới và có hệ thống đường sá khá khang trang. Nhưng cũng như nhiều địa phương khác, nhiều biển báo, đèn chiếu sáng ở một số tuyến đường đã hỏng do lắp đặt từ lâu. Gần một số điểm giao cắt hầu như không có gờ giảm tốc.
So với nhiều xã khác trong huyện, Ngọc Liên vẫn là xã có hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng trên các tuyến giao thông nông thôn (GTNT) khá hơn. Xã có thể xem xét lắp đặt một số biển báo, thiết bị tại những tuyến đường do xã quản lý, còn đường do thôn, xóm quản lý thì rất khó khăn về kinh phí. "Vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ một phần của cấp trên, địa phương cùng đóng góp để lắp đặt mới, thay thế biển báo, xây dựng gờ giảm tốc hoặc đèn chiếu sáng nhằm bảo đảm ATGT và an ninh trật tự", ông Nguyễn Đình Khắc, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Liên đề nghị.
Thực tế cho thấy việc hoàn thiện hạ tầng GTNT để bảo đảm ATGT không quá khó khăn và chi phí không lớn lắm nhưng vẫn chưa được chú trọng. Trong báo cáo bảo đảm trật tự, ATGT từ năm 2016 đến nay của Ban ATGT huyện Kinh Môn không nhắc tới việc xây dựng gờ giảm tốc, lắp biển báo, đèn chiếu sáng tại các địa phương. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tai nạn giao thông trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Nếu cả năm 2017, toàn huyện xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết, 5 người bị thương thì từ đầu năm 2018 đến nay, ở huyện Kinh Môn đã xảy ra 7 vụ, 7 người chết và 9 người bị thương.
Một số huyện khác, việc hoàn thiện hạ tầng GTNT đã được quan tâm nhưng chưa quyết liệt, chưa xác định đây là việc cần làm ngay. Đại diện Ban ATGT huyện Nam Sách thừa nhận chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các xã, thị trấn. Nam Sách phấn đấu đến hết năm 2020, tất cả các đường liên xã, liên thôn mới bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, được lắp đặt báo hiệu đường bộ.
Tai nạn giao thông ngoài đô thị và nông thôn chiếm tới
46% số vụ, 47% số người chết và 56% số người bị thương
Cần sớm vào cuộc
Việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên hệ thống GTNT là yêu cầu cấp bách để bảo đảm ATGT khu vực nông thôn và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Việc này đã được quy định tại Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 8/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác đường GTNT. Theo đó, khi tuyến đường được đưa vào khai thác phải lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống ATGT nhằm quản lý, vận hành và để bảo đảm ATGT. Ngày 13/6/2018, Sở Giao thông vận tải cũng có văn bản số 1202/SGTVT-P6 tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện quản lý, vận hành khai thác đường GTNT. Cụ thể, việc quản lý, vận hành khai thác đường GTNT chỉ được thực hiện bằng hệ thống báo hiệu đường bộ...
Đề án “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương” giai đoạn 2017 - 2020 của UBND tỉnh đánh giá: Tai nạn giao thông ngoài đô thị và nông thôn ở mức cao. Bình quân tai nạn giao thông khu vực này chiếm tới 46% số vụ, 47% số người tử vong và 56% số người bị thương trong tổng số các vụ tai nạn giao thông. Trong đó có nguyên nhân hệ thống báo hiệu đường bộ không đầy đủ, thiếu các cảnh báo.
Từ đầu năm đến nay, tại các tuyến đường GTNT trong tỉnh đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông làm 19 người chết và 8 người bị thương. Vì vậy, hệ thống báo hiệu đường bộ tại khu vực nông thôn cần sớm được triển khai. Nhiều lãnh đạo cấp xã cho rằng tỉnh, huyện nên có cơ chế hỗ trợ các xã. Địa phương sẽ trích kinh phí để lắp đặt hệ thống biển báo như biển hạn chế tải trọng xe, biển báo "Giao nhau với đường ưu tiên"... và hệ thống chiếu sáng. Các ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thuê thiết kế, lắp đặt biển báo, xây dựng gờ giảm tốc theo đúng quy định.
Theo ông Vũ Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc, hiện hệ thống biển báo tại các địa phương chủ yếu tập trung ở những tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn WB. Còn các tuyến do xã, thôn, xóm xây dựng hầu như không có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiếu hoặc không có báo hiệu. UBND cấp huyện, cấp xã cần sớm rà soát, thống kê, đánh giá chất lượng, những tuyến có hoặc không có hệ thống báo hiệu trên đường GTNT để có biện pháp sửa chữa, thay thế, bổ sung. Trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí để lắp đặt hệ thống báo hiệu, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân khu vực nông thôn chấp hành các quy định của pháp luật để bảo đảm ATGT và kết cấu hạ tầng đường bộ.