Giao thông nông thôn (GTNT) là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động dành nguồn lực ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và đặc biệt là nguồn lực trong nhân dân để xây dựng GTNT.
Hạ tầng giao thông xã Hải Bắc (Hải Hậu) từng bước được cải tạo, nâng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Nhờ đó đến nay, tỉnh đã cải tạo, nâng cấp được 8.000km đường GTNT, đưa tổng số lên 9/10 huyện, thành phố, gồm: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Định, Vụ Bản, Ý Yên hoàn thành tiêu chí giao thông NTM giai đoạn 2016-2020 theo quy định của UBND tỉnh với 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt cấp A (nền đường từ 6,5m trở lên); 85% trở lên số km mặt đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt đường rộng từ 3,5m trở lên); 100% nền đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt từ cấp C trở lên; 75% trở lên số km mặt đường trục chính được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt đường rộng tối thiểu 3m); 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa; 100% nền đường trục chính nội đồng được quy hoạch đạt từ cấp C trở lên của Bộ GTVT (nền đường từ 4m trở lên); 50% trở lên số km mặt đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt đường từ 3m trở lên).
Đảm bảo ATGT và vệ sinh môi trường; lòng đường không bị lấn chiếm; lề đường, vỉa hè không bị che khuất tầm nhìn; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì thường xuyên, giữ mặt đường sạch, cắt cỏ ở lề đường. Hạ tầng GTNT được cải tạo, mở rộng, kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ không chỉ đáp ứng yêu cầu điều kiện đi lại tốt hơn của nhân dân mà còn đảm bảo khả năng “đi trước” một bước, tạo động lực, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp dịch vụ nhóm các nghề sử dụng nhiều lao động về nông thôn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn huyện Mỹ Lộc chưa hoàn thành tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng NTM do: mới có 22,83/46,03km (bằng 49,6%) đường trục huyện đạt tiêu chuẩn về cấp đường theo quy định.
Các tuyến chưa đạt gồm: 15,2km đường đê Ất Hợi chưa đạt quy chuẩn về chiều rộng mặt đường từ 3-3,5m, bề rộng nền từ 4-6,5m, một số đoạn đã xuống cấp; 4,4km đường từ Quốc lộ 21B vào xã Mỹ Thắng mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt đoạn 3,8km từ Quốc lộ 21B đến Đình Sắc và 3,6km đoạn từ dốc Sắc đến xã Mỹ Hà mặt đường chưa đủ bề rộng theo quy chuẩn. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố nhưng một số cầu chưa phù hợp với cấp đường quy hoạch. Công tác duy tu bảo dưỡng mới chủ yếu thực hiện cắt cỏ lề đường, vá ổ gà. Bên cạnh đó, việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm thì thuận lợi nhưng đối với việc xây dựng hệ thống đường trục xã, liên xã mức độ đóng góp kinh phí của người dân còn thấp nên rất khó khăn. Ngoài ra, các tuyến đường GTNT trên toàn tỉnh chủ yếu mới được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, đặc biệt không có lề đường, móng đường, rãnh thoát nước dọc; không có hệ thống cọc tiêu, biển báo. Hệ thống đường nội đồng ở nhiều nơi mới được cứng hóa bằng cấp phối, chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng về lâu dài vẫn cần tiếp tục đầu tư nâng cấp...
Để giúp huyện Mỹ Lộc khẩn trương hoàn thành tiêu chí giao thông NTM, UBND tỉnh, ngành GTVT đã trực tiếp làm việc với huyện để phân tích những nguyên nhân vướng mắc và tìm hướng tháo gỡ. Theo đó, nguyên nhân Mỹ Lộc chưa hoàn thành tiêu chí giao thông là do xuất phát điểm kinh tế của huyện và nhiều xã thấp, nguồn ngân sách hạn hẹp trong khi lĩnh vực giao thông đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thấy được vai trò có tính đột phá của phát triển hạ tầng giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo việc huy động các nguồn lực để đầu tư.
Từ đó, UBND huyện Mỹ Lộc đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng đường 63 đoạn từ dốc Sắc đến cây xăng xã Mỹ Hà; đề nghị UBND tỉnh cho lập dự án bổ sung xây dựng đoạn đường từ đại lộ Thiên Trường vào UBND xã Mỹ Thắng, bố trí từ nguồn vốn dự phòng của tuyến đường Thịnh Thắng và các nguồn vốn hỗ trợ khác. Riêng tuyến đường đê Ất Hợi, đề nghị UBND tỉnh cho điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đối với các huyện đã hoàn thành tiêu chí giao thông thì tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông theo tiêu chuẩn NTM bền vững. Tiêu biểu như huyện Hải Hậu, từ đầu năm 2018 đến nay, các xóm, tổ dân phố tiếp tục huy động kinh phí từ cộng đồng dân cư và con em xa quê, tiến hành xây mới, nâng cấp, cải tạo 10,96km đường giao thông; trong đó xây dựng mới là 7,52km; các xóm, tổ dân phố đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí để tu sửa và làm mới được 5,32km đường giao thông nội đồng; có 17 cầu, cống dân sinh được xây mới, cải tạo, nâng cấp phục vụ đi lại thuận tiện cho nhân dân, trong đó làm mới 11 chiếc.
Thời gian tới, các huyện tiếp tục đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp và làm mới, nhất là các tuyến đường trục, các tuyến đường liên xã, liên xóm, tổ dân phố, đảm bảo kết nối thông suốt với đường huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ, đảm bảo lưu thông thuận tiện, vận tải hàng hóa và hoạt động thương mại, dịch vụ./.