Tỉnh Tiền Giang trong 2 năm 2009 - 2010 sẽ đầu tư trên 220,2 tỉ đồng để kiện toàn mạng lưới giao thông - thủy lợi cho các vùng nông thôn, nhằm giúp thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - văn hóa, giải quyết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Tỉnh Tiền Giang trong 2 năm 2009 - 2010 sẽ đầu tư trên 220,2 tỉ đồng để kiện toàn mạng lưới giao thông - thủy lợi cho các vùng nông thôn, nhằm giúp thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế - văn hóa, giải quyết nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh trên 130 tỉ đồng, còn lại vốn ngân sách huyện, xã và huy động từ các nguồn khác. Tiền Giang đã nâng mức đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh cho phát triển giao thông nông thôn từ 150 triệu đồng/xã lên 350 triệu đồng/xã, riêng những địa bàn khó khăn mức đầu tư từ ngân sách tỉnh lên đến nửa tỉ đồng. Tiền Giang ưu tiên kiện toàn hạ tầng giao thông - thủy lợi trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy "tam nông" phát triển đồng bộ, bền vững và hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 7, khóa X của Đảng. Qua đó, giúp các địa bàn nông thôn sâu, vùng căn cứ kháng chiến trước đây tiến nhanh trên đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện để bà con phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ngay trong năm 2009, tỉnh làm 600 tuyến đường nông thôn có chiều dài gần 400 km, trong đó nhựa hóa 71 tuyến đường chiều dài 56 km, còn lại làm đường bê tông, đường đá cấp phối...; bắc mới 58 cầu bê tông cốt thép thay thế cho các cầu tre, cầu khỉ khó đi và thiếu an toàn trước đây. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh, năm 2010 - năm cuối của kế hoạch 5 năm (2006 2010), tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư làm thêm 630 tuyến đường giao thông nông thôn mới có tổng chiều dài trên 400 km, trong đó có 75 tuyến đường nhựa tổng chiều dài 59 km, bắc mới 61 cầu bê tông cốt thép. Từ đó, cơ bản kiện toàn mạng lưới hạ tầng giao thông cho các vùng nông thôn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, tỉnh kết hợp đồng bộ giữa làm đường giao thông nông thôn với kiện toàn mạng lưới thủy lợi nội đồng, từ đó, tăng được hiệu quả của đồng vốn đầu tư, tạo sức bật mới cho "tam nông" đi lên vững chắc. Theo đánh giá của UBND tỉnh, những xã nhiều năm liền làm tốt giao thông nông thôn - thủy lợi nội đồng như Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè); Tam Bình, Long Khánh, Phú An, Long Tiên, Thạnh Lộc, Mỹ Phước Tây (Cai Lậy); Tân Hòa Thành, Tân Lập I (Tân Phước); Phú Kiết (huyện Chợ Gạo); Vĩnh Hựu (Gò Công Tây); Phú Đông (Tân Phú Đông) đều là điểm sáng về phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội vùng nông thôn sâu.
TG