Dù đã có nhiều cố gắng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4%/năm nhưng đến nay, Tri Tôn (An Giang) vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo 12,45%). Một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của địa phương là hệ thống giao thông còn khó khăn, nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đang là vấn đề được huyện ưu tiên, nhằm tạo sức bật mới cho vùng đất anh hùng.
Niềm vui các xã vùng sâu
Đặc thù của huyện Tri Tôn là vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng. Nếu như khó khăn của cư dân miền núi là đường giao thông lên thăm vườn, vận chuyển hàng hóa, nông sản lên xuống núi thì ở các địa phương đồng bằng lại có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, thuận tiện cho xuồng, ghe lưu thông, thủy lợi nội đồng nhưng khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. “Những nông dân làm ruộng trong khu vực hùn tiền lại bắc cầu gỗ, rồi xây cầu treo nhưng được vài năm lại hư hỏng, xuống cấp. Mùa mưa trơn trợt, chạy xe chở vật tư nông nghiệp qua những cây cầu này rất ngán, còn xe tải, xe 4 bánh thì không thể lưu thông được”, ông Lê Văn Hai (nông dân ấp Ninh Thuận, xã An Tức, Tri Tôn) bộc bạch.
Trước đây, cầu Ninh Thuận 2 bắc qua kênh mới, khu vực gần nhà ông Hai sinh sống, là cầu treo dây văng, ngang khoảng 2m. Do đây là nơi kết nối giao thông giữa những xã vùng sâu của huyện Tri Tôn nên lượng phương tiện lưu thông rất lớn, khiến cầu nhanh xuống cấp. “Dù diện tích sản xuất nông nghiệp trong khu vực rất rộng, có nhiều trục kênh lớn nhưng lại thiếu các cây cầu đấu nối. Đối với các đường kênh mới nối giữa các xã: An Tức, Lương An Trà và Ô Lâm, mới chỉ có cầu tạm đáp ứng lưu thông bằng xe máy, chưa có cầu nào đảm bảo để xe ôtô, xe tải, máy cày, máy cắt lưu thông. Đây là nhu cầu bức xúc và nỗi trăn trở nhiều năm nay của địa phương” - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tri Tôn Phạm Văn Lèo chia sẻ.
Vừa qua, được sự quan tâm kết nối của Thường trực Huyện ủy, UBMTTQVN huyện Tri Tôn đã gặp gỡ, trao đổi với Ban Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Antraco (Công ty Antraco) về nhu cầu xây dựng cầu kết nối giao thông giữa các xã: An Tức, Lương An Trà và Ô Lâm. “Hiểu được nỗi trăn trở của địa phương, công ty đã quyết định tài trợ 1,4 tỷ đồng để bắc mới cầu Ninh Thuận 2, dài 30m, rộng 3m, tải trọng thiết kế 5 tấn. Ngày 17/9/2018, công trình được Công ty TNHH MTV Cầu đường Cơ khí An Giang (thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang) tiến hành khởi công xây dựng, hoàn thành sau 6 tháng (khánh thành ngày 16-3-2019). Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, từng bước giúp huyện hoàn thành mục tiêu xóa bỏ, thay thế cầu tạm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn”, ông Lèo nhấn mạnh.
Niềm vui khánh thành cầu Ninh Thuận 2
Tạo lan tỏa kết nối
Là một doanh nghiệp có 25 năm làm ăn trên địa bàn huyện Tri Tôn, cùng với phát triển sản xuất - kinh doanh, Công ty Antraco còn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. “Từ năm 2013-2014, công ty có sự phát triển trên nhiều mặt nên mức đóng góp cho công tác từ thiện - xã hội lớn hơn. Cùng với xây dựng Quỹ học bổng Antraco, công ty còn đóng góp xây cầu, trường học trên địa bàn huyện Tri Tôn với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng/năm” - Giám đốc Công ty Antraco Quách Kim Long thông tin.
Đối với xây cầu nông thôn, Công ty Antraco thống nhất tài trợ cho huyện 700 triệu đồng/năm. Còn số tiền 1,4 tỷ đồng xây cầu Ninh Thuận 2 là nguồn tài trợ tích lũy trong các năm 2016 và 2017. Nhằm hướng tới xây dựng những cây cầu vững chãi, đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài, bền vững, hiệu quả cho người dân, Công ty Antraco dự kiến đầu tư những cây cầu chất lượng như cầu Ninh Thuận 2. “Nguồn tài trợ năm 2018 còn 700 triệu đồng, nếu kết hợp năm 2019 sẽ được 1,4 tỷ đồng, có thể đầu tư tiếp những cây cầu vững chắc cho địa phương”, ông Long nhấn mạnh.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, cách đây 2-3 năm, huyện có nhu cầu xây dựng 74 cây cầu nông thôn đạt chuẩn. Nhờ sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân, đến nay, số cầu cần xây dựng còn khoảng 40 cây. “Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung, đời sống người dân huyện Tri Tôn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện còn 4.198 hộ nghèo (chiếm 12,45% trong 33.732 hộ), 3.302 hộ cận nghèo (chiếm 9,79%). Huyện cần làm nhanh, nhiều hơn nữa những cây cầu vững chắc nhằm tạo giao thương thuận lợi, đóng góp trực tiếp vào phát triển các địa phương. Hy vọng, nghĩa cử cao đẹp của những doanh nghiệp như Công ty Antraco sẽ tạo lan tỏa, huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia, giúp Tri Tôn sớm hoàn thành đề án xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn”, ông Liêm mong muốn.
“Cầu Ninh Thuận 2 là cầu nông thôn có quy mô lớn nhất hiện nay trên địa bàn xã An Tức. Đây là món quà lớn dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của địa phương gắn với địa danh đồi Tức Dụp anh hùng” - Chủ tịch UBND xã An Tức Khuất Thành Phương phấn khởi.