An Giang: Xã hội hóa cầu giao thông nông thôn

Thứ ba, 02/04/2019 09:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Qua 3 năm thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn (giai đoạn 2016-2018), toàn tỉnh An Giang đã xây dựng 294 cây cầu, với tổng chiều dài 9.570m, so kế hoạch đạt 86,2%. Phát huy "ý Đảng, lòng dân", phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Trí cho biết: "Mặc dù tình hình kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách có hạn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sự vận động tích cực của các đoàn thể chính trị xã hội, sự đồng thuận của nhân dân, đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông rộng khắp. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Tỉnh đã huy động các nguồn lực rất lớn trong xã hội được trên 265,4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 78,1%), nhân dân đóng góp 61.254 ngày công và hiến 288m2 đất.

Tuy nhiên, khu vực biên giới gặp khó khăn trong công tác huy động nguồn lực để xây dựng cầu giao thông nông thôn như: Tịnh Biên đạt 38,4% kế hoạch, TX. Tân Châu đạt 74%, An Phú 75%, Tri Tôn 89%. Theo Sở GTVT, từ nay đến năm 2020, tỉnh phải huy động nguồn lực xây dựng 187 cây cầu giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng, cho các phương tiện vận tải và nhu cầu lưu thông hàng hóa nông sản của nông dân.

Với tâm huyết hỗ trợ giao thông vùng biên giới thông suốt, góp phần thúc đẩy kinh tế biên mậu phát triển, đặc biệt là bảo đảm quốc phòng - an ninh, nắm bắt được điều kiện khó khăn của các địa phương biên giới, thông qua dự án của Tạp chí Nông thôn Việt, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã 2 lần đến An Giang khảo sát, đầu tư xây dựng hàng chục cây cầu nông thôn trên tuyến biên giới.

Những cây cầu giao thông nông thôn vững chắc, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển

Tháng 11/2018, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi khảo sát hệ thống giao thông kết nối vùng sản xuất 3 xã bờ Đông của huyện An Phú. Sau khi khảo sát thực tế, thông qua chương trình hỗ trợ của Tạp chí Nông thôn Việt, nguyên Chủ tịch nước đã hỗ trợ An Phú xây dựng 15 cây cầu phục vụ đời sống dân sinh vùng sâu, vùng xa. Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng chia sẻ: "Thông qua vận động tài trợ của nguyên Chủ tịch nước, UBND huyện điều hành xây dựng 10 cây cầu, với giá trị trên 17,5 tỷ đồng, do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thuật Việt Nam tài trợ; Công ty Cổ phần Bamboo Capital tài trợ và trực tiếp xây dựng 5 cây cầu, với giá trị gần 9 tỷ đồng. Dự kiến khánh thành, đưa vào sử dụng 10 cây cầu vào dịp sinh nhật Bác Hồ".
An Phú còn sáng tạo với phương châm “lấy sức dân chăm lo đời sống cho dân”, huy động được tinh thần thiện nguyện của các thành viên trong Đội xây cầu từ thiện, không tốn công xây dựng.

Đồng thời, huy động cán bộ, công nhân viên chức đóng góp 500 triệu đồng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 336 triệu đồng, hàng ngàn bao xi măng, đá xây dựng. Kiểm tra tiến độ công trình đã đầu tư, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện An Phú đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc thi công các cây cầu giao thông đã tài trợ.

Mới đây, sau khi cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp khảo sát hiện trạng 3 cây cầu treo đã xuống cấp ở TX. Tân Châu, nguyên Chủ tịch nước thống nhất tài trợ 17 tỷ đồng cho TX. Tân Châu xây dựng hơn 10 cây cầu giao thông nông thôn ở các xã biên giới, nhưng lưu ý cần đầu tư trên hệ thống giao thông liên trục để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh.

Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Minh Hùng chia sẻ với nguyên Chủ tịch nước: "Tân Châu là thị xã vùng biên, nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng nông sản rất lớn, nhưng phần lớn các tuyến đường nông thôn nhỏ hẹp, nhất là những cây cầu bắc qua kênh, hầu hết là cầu gỗ, cầu tạm, nên việc vận chuyển nông sản không thể lưu thông. Bê-tông hóa cầu giao thông nông thôn là giải pháp cần thiết để phát triển nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển. Thị xã hiện có 60 cây cầu, với tổng chiều dài trên 2.500m, chủ yếu cầu gỗ, cầu treo. Từ nay đến năm 2020, thị xã còn khoảng 21 cây cầu cần tiếp tục đầu tư, với tổng kinh phí trên 31,7 tỷ đồng. Trong đó có 10 cây cầu cần phải xây dựng cấp bách, với giá trị đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách của thị xã gặp rất nhiều khó khăn, không thể đầu tư xây dựng được".

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cho biết: "Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng sự phát triển của An Giang còn nhiều giới hạn, điểm nghẽn của An Giang là hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Tỉnh đã và đang nỗ lực đầu tư các công trình cầu, đường, trong đó có nguồn xã hội hóa. Huyện An Phú và TX. Tân Châu là vùng biên giới, điều kiện giao thương phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Tuy nhiên, nếu không xây dựng hạ tầng giao thông tốt, sẽ phát triển rất chậm, không khai thác hết tiềm năng, vì vậy sự phát triển phải gắn liền với giao thông".

Việc nguyên Chủ tịch nước tài trợ xây dựng cầu giao thông nông thôn vùng biên giới, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, không chỉ giúp huyện An Phú, TX. Tân Châu hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển, xây dựng nông thôn mới, mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên giới của An Giang.

kieuanh

Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)