Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhân dân xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn tham gia làm đường giao thông nông thôn
Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) đáp ứng cho phát triển ngày một cao hơn. Nhờ GTNT phát triển, nhiều vùng quê từ vùng thấp đến vùng cao trở nên trù phú, hình thành và phát triển vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn.
Cái khó nhất, hạn chế nhất của một tỉnh miền núi chính là giao thông, nhất là GTNT. Giao thông đi lại khó khăn cũng đồng nghĩa với kinh tế - xã hội kém phát triển. Trước những thực trạng đó, Yên Bái xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Từ những nhìn nhận và cách tiếp cận đó, Yên Bái đã sớm triển khai quy hoạch phát triển giao thông vận tải, song song với đó là phát động phong trào phát triển hạ tầng giao thông với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc mở đường về các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Phong trào làm đường GTNT ở huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn… và đến cả huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải đâu đâu cũng là "đại công trường” giao thông. Cùng với đó là quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du - miền núi phía Bắc và các quy hoạch của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển; phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý để phát triển mạng lưới giao thông hợp lý, giảm thiểu chi phí vận tải, tiết kiệm chi phí xã hội.
Dẫu vẫn cần tiếp tục phải đầu tư, nâng cấp nhưng hôm nay có thể khẳng định, mạng lưới giao thông Yên Bái đã phát triển một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước đi vào hiện đại, tạo mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các đô thị và nông thôn trên phạm vi của tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành, các cửa khẩu, cảng biển...
Đặc biệt là GTNT đã có những đột phá mạnh mẽ, nhất là sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được gần 600km (đạt trên 138,7% so với mục tiêu Đề án) và mở mới, mở rộng trên 1.188km (đạt 144,1% so với mục tiêu Đề án).
Để tiếp tục phát triển mạng lưới GTNT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái tiếp tục triển khai Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 kiên cố hóa ít nhất 435km mặt đường giao thông liên xã, liên thôn và nội thôn; mở mới, mở rộng trên 600km đường thôn bản và trên 414 công trình thoát nước.
Với cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tùy từng tuyến đường, Nhà nước có mức hỗ trợ cụ thể về vật liệu chính (cát, đá, xi măng, sắt thép); cùng đó, mỗi địa phương có một cách làm phù hợp với điều kiện thực tế…
Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từ năm 2016 đến nay, Yên Bái đã huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để phát triển GTNT được trên 842 tỷ đồng.
Các địa phương đã kiên cố hóa được trên 581,44km mặt đường bê tông xi măng; mở mới, mở rộng 186km đường đất, xây dựng hàng trăm công trình thoát nước. Bước sang thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019, các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai xây dựng các công trình GTNT và đã kiên cố hóa 132,99km mặt đường bê tông xi măng; mở mới 7,2km đường đất, xây dựng 168 công trình thoát nước; trong đó, khối lượng thực hiện theo Đề án phát triển giao thông nông thôn là kiên cố hóa được 85,22km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 2,5km đường đất, xây dựng 100 cống thoát nước...
Tổng nguồn kinh phí thực hiện đạt trên 193 tỷ đồng, đáng chú ý là nhân dân đóng góp gần 45 tỷ đồng - một con số rất đáng trân trọng. Như vậy, sau 8 năm thực hiện hai Đề án phát triển GTNT, Yên Bái đã làm được trên 1.019km đường bê tông xi măng kiên cố; mở mới 186,37km đường đất và xây dựng gần một nghìn công trình thoát nước. Giao thông phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn đã được nâng lên, hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với chế biến và sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Những kết quả trong phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong phát triển GTNT vẫn còn những khó khăn nhất định cần có sự nỗ lực cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Yên Bái. Hiện, tỷ lệ số đường giao thông chưa được kiên cố hóa còn 63%, 1.005 số xã có đường đến trung tâm xã nhưng vẫn còn 12 xã đường còn khó khăn với tổng chiều dài 103km. Một số công trình mới được đầu tư xây dựng vừa mới đưa vào khai thác nhưng do ảnh hưởng bão lũ đã hư hỏng cần được đầu tư, sửa chữa...