Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc, trong đó nổi bật là việc mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên kiên cố hóa đường giao thông nông thôn
Từ sự chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền và bà con nhân dân các dân tộc, hàng trăm km đường giao thông nông thôn được mở rộng, kiên cố hóa đã nối liền các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa. Những con đường "ý Đảng, lòng dân” này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện, tăng cường giao thương, buôn bán mà còn là động lực để các địa phương xây dựng và cán đích nông thôn mới.
Ông Vi Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Khai Trung, huyện Lục Yên cho biết: "Từ sự hỗ trợ của Nhà nước theo cơ chế 6/4, nhất là việc huy động các nguồn lực từ nhân dân, những năm qua, địa phương đã kiên cố hóa trên 5 km đường giao thông nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã lên 90%”.
Theo bà Lương Vân Hường - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã vận động đoàn viên, hội viên và nông dân hiến trên 63 ha đất các loại, gần 50.000 cây cối, hoa màu, trên 120.000 ngày công lao động để làm đường giao thông.
Đến nay, toàn huyện đầu tư xây dựng mới 33 công trình cầu, cống các loại; sửa chữa, cải tạo 13 công trình cầu, ngầm kè; thực hiện kiên cố hóa và mở mới 585,9 km đường giao thông nông thôn các loại, nâng tổng chiều dài đường giao thông toàn huyện lên 1.153,55km, trong đó: mở mới các tuyến đường đất 228,84km; kiên cố hóa đường bê tông xi măng, láng nhựa 357,06 km, nâng tổng số chiều dài đường giao thông kiên cố hóa lên 519,57 km, tỷ lệ đường giao thông nông thôn toàn huyện đã được cứng hóa đạt 60%, trong đó kiên cố hóa đạt 47%.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từ nguồn vốn thuộc Đề án phát triển giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, 30A, giảm nghèo, đặc biệt là việc huy động nguồn lực từ nhân dân, mỗi năm tỉnh Yên Bái đã mở rộng, kiên cố hàng trăm km đường giao thông nông thôn.
Dù mỗi địa phương đều có những cách làm riêng, phù hợp với tình hình thực tế nhưng để những tuyến đường này được triển khai đồng thuận, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tiến độ, các ngành, địa phương đều tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân.
Rà soát hiện trạng giao thông, xác định nhu cầu đầu tư và tuyên truyền để nhân dân dọn dẹp, giải phóng mặt bằng tại các tuyến đường dự kiến đầu tư xây dựng; cử cán bộ xuống các thôn, bản tham gia dự họp, phổ biến tuyên truyền đến với nhân dân; tổ chức lựa chọn, giới thiệu các tổ, đội thi công có uy tín, hệ thống máy móc thiết bị bảo đảm thi công đúng tiến độ...
Bên cạnh đó, để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, mọi công tác từ thu chi, nguyên vật liệu và chất lượng thi công đều có sự tham gia giám sát của nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch.
Bằng cách làm dân chủ, công khai, dân biết, dân làm, dân kiểm tra nên công tác phát triển đường giao thông nông thôn nhận được sự đồng thuận rất cao, từ các huyện vùng thấp như: Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình đến những huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải người dân cũng tham gia rất hăng hái, nhiệt tình trong làm đường giao thông nông thôn.
Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Nhận thức của người dân vùng cao về làm đường giao thông thôn đã thay đổi rất nhiều. Đơn cử như trong 17 km theo Đề án phát triển giao thông nông thôn năm 2019, ngoài phần Nhà nước hỗ trợ 10,4 tỷ đồng thì nhân dân đóng góp 2,2 tỷ đồng và 5.000 ngày công lao động. Ngoài ra, đối với 50km loại đường 1m, cùng nguồn vốn huy động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thì nhân dân tham gia đóng góp tiền mặt, cát sỏi và ngày công lao động”.
Theo thống kê, sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 2.216,30km mặt đường bê tông xi măng, mở mới 2.130,22km đường đất, xây dựng 2.456 công trình thoát nước. Trong đó, nhân dân đã hiến 343 ha đất các loại và đóng góp trên 805 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 57/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 72/157 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông.
Từ chủ trương, chính sách hợp lòng dân, cách làm sáng tạo, hiệu quả và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc mà hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được mở rộng, kiên cố hóa. Đây chính là kết quả của sự đồng thuận của các cấp chính quyền và bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo Ông Nguyễn Phúc Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái: Hệ thống GTNT được kiên cố hóa có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các lĩnh vực phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tạo ra việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động tại địa phương và đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Ngoài ra, GTNT được nâng cấp, làm mới và mở rộng, giúp cho người dân nông thôn nói chung, người dân vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh dễ dàng tiếp cận các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước như: giáo dục, y tế, thông tin liên lạc, các tiến bộ khoa học trong sản xuất… Đây chính là tiền đề để các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).