An Giang: Tri Tôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu nông thôn

Thứ năm, 28/11/2019 08:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Tri Tôn (An Giang) xác định đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó có những chiếc cầu “nối nhịp bờ vui”.

Là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Tri Tôn xác định đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó có những chiếc cầu “nối nhịp bờ vui”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm trao đổi với đơn vị
thi công về tiến độ xây cầu bắc qua kênh Sóc Triết - cầu dài nhất và có kinh phí lớn nhất
trong số 16 cây cầu do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ

3 năm, 43 cây cầu được xây dựng

Ngày 19/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 426/ĐA-UBND về phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020. Khi đó, Tri Tôn cần xây dựng 74 cây cầu theo đề án. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tri Tôn Châu Kim Liên cho biết, 3 năm qua (2016-2018), được sự chỉ đạo quyết liệt và sát thực tiễn của Huyện ủy, UBND huyện, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, Tri Tôn đã xây dựng được 43 cây cầu với tổng chiều dài 1.340m, trong đó có 11 cầu bê-tông, 14 cầu sắt và 18 cầu treo. Trong tổng kinh phí đầu tư hơn 27 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng cùng 6.086 ngày công lao động, doanh nghiệp hỗ trợ 3,19 tỷ đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện.

Trong quá trình xây dựng, cùng với sự đồng thuận, tham gia của người dân, nhiều đơn vị như: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, Tỉnh đoàn, Tập đoàn Lộc Trời, Hội từ thiện Suối Mơ (Vĩnh Long), Hội từ thiện Út Ngộ (Thoại Sơn), Phật đường Phước Huệ (TP. Hồ Chí Minh)... hưởng ứng rất nhiệt tình. “Nếu như cầu gỗ, cầu sắt tạm chỉ phục vụ đi bộ và xe 2 bánh thì những cây cầu mới đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Các công trình được giám sát chặt chẽ nên đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng lâu dài” - ông Liên đánh giá.

Theo đề án của UBND tỉnh, giai đoạn 2019-2020, Tri Tôn cần xây dựng thêm 31 cây cầu với chiều dài 1.007m, tổng kinh phí đầu tư trên 29 tỷ đồng. Huyện dự kiến xây dựng 27 cây cầu trong năm 2019 và 8 cây cầu trong năm 2020. Ngay từ đầu năm 2019, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn kết hợp lãnh đạo các xã có nhu cầu đầu tư xây dựng cầu, đường đến các doanh nghiệp có tiềm lực ở địa phương để vận động hỗ trợ xây dựng các công trình cụ thể. Các xã họp lấy ý kiến của người dân để đưa ra các danh mục cần đầu tư theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiến hành thành lập Ban công trình của xã để huy động lực lượng tham gia trực tiếp trong thi công cầu, đường theo kế hoạch xã hội hóa. Các Ban công trình của xã được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tri Tôn hỗ trợ hồ sơ cần thiết theo quy định và thẩm định dự toán, hỗ trợ giám sát kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng.

Thúc đẩy tiến độ

Trong hoàn cảnh còn khó khăn về kinh phí vận động thì giữa năm nay, từ Chương trình cầu nông thôn của Tạp chí Nông Thôn Việt, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động 13,5 tỷ đồng tài trợ xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn huyện. Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ 10 tỷ đồng, Công ty Tập đoàn HANAKA tài trợ 2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Prowtech International Vina tài trợ 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, Tri Tôn huy động thêm khoảng 6 tỷ đồng để triển khai xây dựng 16 cây cầu ở 8 xã là Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, Lương An Trà, Châu Lăng, Lương Phi và Lê Trì. Các cây cầu được xây dựng kết cấu bê-tông cốt thép dự ứng lực, đảm bảo tải trọng từ 5 tấn, được xem là động lực thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tri Tôn Châu Kim Liên cho biết, với sự hỗ trợ của Chương trình cầu nông thôn, huyện có thể đảm bảo xây dựng 27 cây cầu với kinh phí 29,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương (gần 7,5 tỷ đồng), ngân sách huyện (435,5 triệu đồng), doanh nghiệp (hơn 19 đồng), nhân dân còn đóng góp 1,78 tỷ đồng, huy động ngày công và các nguồn khác tương đương 678 triệu đồng. Một số cây cầu đã hoàn thành, các công trình còn lại đang được thi công.

Vừa qua, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đã dẫn đầu đoàn công tác huyện khảo sát tiến độ xây dựng các công trình cầu nông thôn trên địa bàn. Ông Cao Quang Liêm đã lắng nghe ý kiến người dân, trực tiếp trao đổi với chính quyền địa phương, đơn vị thi công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với những công trình đã bàn giao mốc, chọn được nhà thầu nhưng chưa triển khai thi công trên thực tế, người đứng đầu huyện Tri Tôn đã trực tiếp gọi điện thoại trao đổi với đơn vị thi công, động viên sớm triển khai thực hiện. Đối với các công trình thuận lợi, phấn đấu đưa vào sử dụng ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 để bà con đi lại thuận lợi dịp xuân về, hưởng niềm vui Tết trọn vẹn hơn. Trong đó, cần lưu ý đẩy nhanh xây dựng 16 cây cầu do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ để xứng đáng với tấm lòng, nhiệt huyết của các đơn vị, cá nhân đã ủng hộ huyện Tri Tôn.

kieuanh

Nguồn: Báo An Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)