Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ cho các địa phương thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, qua đó đẩy nhanh quá trình xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy cho phát triển KT-XH.
Ông Phan Thành Giản, Phó phụ trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), cho biết: Từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (năm 2000), xác định việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn (GTNT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tỉnh Bình Định đã ưu tiên các nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với huy động các nguồn lực của nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của các DN, nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình bê tông hóa đường GTNT. Nhờ chính sách đúng đắn, người dân đồng tình ủng hộ, hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư bê tông hóa khá hoàn chỉnh.
Một tuyến đường bê tông trên địa bàn xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) được bê tông kiên cố.
Theo thống kê của Sở GTVT Bình Định, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 6.033 km/8.050 km đường GTNT (đạt tỷ lệ 75% tổng chiều dài). Hiện 100% số xã ở khu vực nông thôn đã có đường bê tông xi măng đến trung tâm xã. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 93/121 xã (chiếm 77%) hoàn thành tiêu chí giao thông (tiêu chí số 2).
Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT, nhìn nhận: Để phát triển GTNT, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, trong đó công tác tuyên truyền, vận động và huy động sức dân là yếu tố quan trọng. Điều thuận lợi trong thực hiện chương trình bê tông hóa đường GTNT ở tỉnh ta là lãnh đạo tỉnh cũng như ngành Giao thông đã xác định điều kiện tiên quyết để phát triển KT-XH chính là hạ tầng giao thông phải được đầu tư đồng bộ. Do đó, ngân sách tỉnh còn khó khăn nhưng hàng năm vẫn ưu tiên bố trí nguồn vốn khá lớn hỗ trợ xi măng để bê tông hóa đường GTNT.
Trong thực hiện chương trình bê tông hóa đường GTNT, Hoài Ân được biết đến là địa phương đi tiên phong. Trong đó, những tuyến đường huyết mạch được đầu tư nâng cấp đã góp phần tạo nên sự thay đổi cho Hoài Ân là ĐT630, ĐT638, ĐT629…
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Đến nay, toàn huyện đã có hơn 300 km đường GTNT được bê tông hóa, phát huy hiệu quả thiết thực. 100% số xã trên địa bàn huyện đã có đường GTNT đến trung tâm xã. Nhiều tuyến đường mang tính kết nối vùng đã được huyện đầu tư nâng cấp, mở rộng, đảm bảo cho phát triển KT-XH, nhất là các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Ân Nghĩa nằm xa trung tâm huyện Hoài Ân, trước đây hàng hóa nông sản của người dân làm ra bán giá rất thấp do vận chuyển khó khăn. Xác định hệ thống giao thông nông thôn chính là “đòn bẩy” để phát triển KT-XH, địa phương đã đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Trong năm 2019, xã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để nâng cấp 4 tuyến đường GTNT. Đến nay, hệ thống đường GTNT của xã đã được đúc bê tông với tổng chiều dài hơn 41 km. “Việc đi lại thuận lợi, người dân địa phương đã đổi mới tư duy làm ăn, phát triển kinh tế. Cùng với đầu tư trồng cây keo, cây chuối, bây giờ nhiều hộ đã thử sức trong việc kinh doanh buôn bán tổng hợp, góp vốn xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp làm trang trại trồng cây ăn quả, bước đầu đem lại hiệu quả”, ông Trần Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, cho biết.
Theo Quyết định số 72/2019/QÐ-UBND ngày 19/2/2019 về ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để sửa chữa, mở rộng đường GTNT bị hư hỏng trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bình Định hỗ trợ toàn bộ lượng xi măng đến chân công trình để sửa chữa, mở rộng các tuyến đường. Cụ thể, các tuyến đường huyện (bề rộng mặt đường 5,5 m) có định mức xi măng hỗ trợ 440 tấn/km đường; các tuyến đường xã (sửa chữa, mở rộng đạt mặt đường tối đa 5,5 m) có định mức xi măng hỗ trợ 400 tấn/km đường; các đoạn tuyến đầu tư mở rộng kết hợp mặt đường cũ (mặt đường 3 m) còn tốt tận dụng được, có định mức xi măng hỗ trợ 185 tấn/km đường…