Huyện Thanh Thủy (Phú Thọ): Đầu tư hạ tầng giao thông, tạo sức bật phát triển kinh tế

Thứ ba, 03/03/2020 15:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiều hình thức nhằm tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, cứng hóa đạt 85%, đứng thứ 4/13 huyện, thành, thị, từ đó tạo sức bật quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới (NTM) thứ 2 của tỉnh.

Hiện nay, 85% đường giao thông của huyện Thanh Thủy đã được nhựa hóa,
cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Là huyện miền núi, hệ thống giao thông của Thanh Thủy có 815,7km đường các loại, gồm 9 tuyến đường tỉnh, chiều dài 74km, chiếm tỷ lệ 9,1%; 10 đường huyện, dài 41,1km, chiếm 5%; đường xã, trục xã dài 101,9km, chiếm 12,5%; đường thôn, ngõ xóm, ra đồng, lên đồi dài 598,7km, chiếm 73,3%; có 6 bến khách ngang sông… Huyện đã tranh thủ tối đa sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường trục chính; thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường huyện, liên xã, thôn, xóm và nội đồng trong toàn huyện. Các xã tích cực làm đường bê tông xi măng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo điều kiện thuận lợi để tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh Phú Thọ thông qua các dự án làm giao thông, phát động phong trào toàn dân tham gia hưởng ứng chiến dịch làm đường GTNT, huy động sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Nhờ đó, những năm gần đây, hệ thống đường giao thông của huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, giúp rút ngắn thời gian đi lại, thuận lợi phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và giao thương cho nhân dân địa phương. Với nhiều cách làm khác nhau, huyện đã huy động, tận dụng tối đa, có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống đường giao thông trục chính và cứng hóa giao thông, thôn xóm, nội đồng; đầu tư nâng cấp, cải tạo, làm mới nhiều công trình giao thông, thủy lợi, phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp của nhân dân... Bên cạnh đó, hệ thống điện thắp sáng đường, hành lang giao thông được chú trọng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự địa phương. 

Cùng với huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, từ đó làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho đơn vị thi công triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm đảm bảo đúng tiến độ. Điển hình như Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối QL32 với QL70 đi tỉnh Hòa Bình; cải tạo, nâng cấp đường giao thông tuyến gốc Gạo đi khu 4, khu 5 xã Sơn Thủy; cải tạo, nâng cấp đường giao thông xã Đào Xá… Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều đoạn đường xuống cấp lâu năm, gây bức xúc trong nhân dân như đoạn nối từ cầu Đồng Quang đi xã Hoàng Xá, tuyến đường nối huyện Thanh Thủy đi các huyện Thanh Sơn, Tam Nông và một số tuyến đường liên xã khác. 

Trên cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đưa các cây con, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; phối hợp, tạo điều kiện để người dân được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, giảm thời gian và ngày công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất… tạo sự thay đổi cho diện mạo địa phương.

Theo ông Trần Dần - Chủ tịch UBND xã Tân Phương, giao thông, thủy lợi thuận lợi đã tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt thương mại - dịch vụ, liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm đáp ứng theo tiêu chuẩn của thị trường và mở rộng tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề, làng có nghề tiếp tục được duy trì, phát triển. Các hoạt động dịch vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng mở rộng quy mô, cung ứng hàng hóa ngày càng tăng cho thị trường. Từ đó, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm 2019; 19/19 tiêu chí NTM được giữ vững, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông nghiệp nông thôn khởi sắc, giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: Xây dựng kết cấu hạ tầng là 1 trong 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Thời gian qua, huyện đã huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tốc độ đầu tư kết cấu hạ tầng thực hiện các chương trình dự án trọng điểm. Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển GTNT phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu địa phương, huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tích cực tuyên truyền tới nhân dân nhằm tạo sự nhất quán về nhận thức trong phong trào xây dựng GTNT trên địa bàn huyện. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò tham gia của nhân dân trong xây dựng phát triển hạ tầng GTNT, tạo phong trào hiến đất, cây cối, đóng góp ngày công, vật tư làm đường giao thông, coi phát triển GTNT là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với phong trào làm GTNT...

Trên cơ sở hạ tầng giao thông, huyện tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ người dân tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập. Với việc chú trọng đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đưa các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,18%...

Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng GTNT; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển GTNT; sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng để xây dựng phát triển GTNT; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì đường GTNT; phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại khu dân cư, đồng thời khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp phát triển GTNT… tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng tình, nhất trí cao trong thực hiện, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra.

hoavt

Nguồn: Báo Phú Thọ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)