Hết năm 2019, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành mục tiêu phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2016-2020.
Người dân xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng làm đường giao thông nông thôn
Bên cạnh phương châm thực hiện “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, địa phương còn đưa ra các giải pháp kỹ thuật để hạ giá thành xây dựng, vận động ủng hộ kinh phí để cùng người dân nâng cấp hệ thống đường xã, thôn, bản.
Dân làm, Nhà nước hỗ trợ
Đến xã Quan Sơn (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) hiện nay, ai cũng cảm nhận được sự khang trang của tuyến đường trục chính vào xã và các thôn. Những trục đường đất đá, đi lại khó khăn trước đây nay được cải tạo, kiên cố hóa bằng bê tông. Một số trục đường thôn nhỏ hẹp được mở rộng tối thiểu lên 2m. Phần mở rộng do người dân tự nguyện hiến đất cho cộng đồng.
Người dân cho biết, đường trục chính và một số trục đường thôn của xã được nâng cấp trong năm 2019 theo phương thức “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Giá trị để cải tạo đoạn đường hơn 1,5km trục đường chính của xã là hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn người dân góp tiền mua vật liệu, công sức thi công, giám sát cộng đồng. Người dân cũng tự nguyện góp tiền, hiến đất và tham gia ngày công.
Cũng như xã Quan Sơn, người dân các xã Gia Lộc, thị trấn Chi Lăng… cũng sôi nổi đóng góp hàng tỷ đồng, hiến đất, công sức để cùng kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm. Theo UBND huyện Chi Lăng, phong trào kiên cố hóa đường GTNT năm 2019 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, với kết quả kiên cố hóa được hơn 51km đường nông thôn, nhiều hơn 17km so với năm 2018. Trong đó, người dân đóng góp 25,3/35,3 tỷ tổng giá trị kinh phí đầu tư và hiến hơn 23.000m2 đất để mở rộng đường.
Năm 2019 huyện Đình Lập cũng nâng cấp, cứng hóa được hơn 46km; huyện Văn Lãng hơn 67km, huyện Văn Quan hơn 92km… Không chỉ kiên cố hóa đường sẵn có, một số xã còn mở thêm các trục đường GTNT mới theo tiêu chuẩn thiết kế chung địa phương.
Đại diện Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, vài năm gần đây, phong trào kiên cố hóa đường GTNT theo Đề án 109 của UBND tỉnh Lạng Sơn về phát triển GTNT giai đoạn 2016-2020, với phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ” lan tỏa rộng rãi khắp các xã, thị trấn, thôn bản. Sau mỗi năm, phong trào tiếp tục được duy trì, nhân rộng, đến nay Lạng Sơn đã hình thành được hệ thống đường xã, thôn kiên cố, sạch đẹp, góp phần thiết thực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Về giải pháp kỹ thuật, Sở GTVT đã nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ mới trong xây dựng đường GTNT bằng vật liệu tại chỗ. Năm 2018, công nghệ được UBND tỉnh cho phép ứng dụng tại các huyện Tràng Định, Đình Lập, Lộc Bình, Hữu Lũng… giúp giảm được 1/3 giá thành xây dựng so với giải pháp công nghệ bê tông xi măng truyền thống.
Vượt mục tiêu, về đích sớm
Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, tháng 1/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 109 phê duyệt Đề án phát triển GTNT tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 kiên cố hóa tối thiểu 40% đường GTNT (tương ứng cứng hóa thêm 1.600km, trung bình mỗi năm 320km).
Để triển khai thành công, UBND tỉnh quy định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án ở cấp tỉnh, huyện, xã và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, sở, ngành, đoàn thể. Ở cấp tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo do Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực GTVT đảm nhiệm, Sở GTVT là đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Trưởng ban cấp huyện là Chủ tịch UBND huyện, Bí thư hoặc Chủ tịch UBND cấp xã.
“Cơ chế phát triển đường GTNT là ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ xi măng, vật liệu và tối đa 50% chi phí thi công, nhân dân tự nguyện hiến đất, GPMB, đóng góp một phần vật liệu và tự tổ chức thi công, giám sát. Trong quá trình triển khai đề án gặp khó khăn do người dân ở một số địa bàn còn nghèo, nên để kịp thời hỗ trợ, động viên mọi người cùng chung sức, địa phương kêu gọi, vận động ủng hộ phong trào và nhận được sự ủng hộ tích cực”, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn nói.
Hưởng ứng kêu gọi của UBND tỉnh Lạng Sơn về đóng góp ủng hộ kinh phí cho phong trào, năm 2019, các tổ chức, cá nhân, DN tại Lạng Sơn đã tài trợ 8,4 tỷ đồng, trong đó mỗi cán bộ, công chức ngành GTVT Lạng Sơn ủng hộ 4 ngày lương (giá trị 200 triệu đồng). Số tiền này được phân bổ ngay cho các huyện, thiết thực giúp người dân khu vực khó khăn nỗ lực, vượt khó để hoàn thành mục tiêu xây dựng đường GTNT giai đoạn 2016-2020.
“Mục tiêu đề án là đến năm 2020 toàn tỉnh kiên cố hóa thêm 1.600km đường GTNT, đáng mừng là đến hết năm 2019 đạt được 1.669km, về đích sớm 1 năm và vượt 69km. Đến nay, tổng số đường GTNT trên toàn tỉnh được cứng hóa theo tiêu chuẩn là hơn 5.450/13.405km, tương ứng 40,7% và vượt mục tiêu 40%. Năm 2019, địa phương cũng hoàn thành tốt mục tiêu kiên cố hóa đường đến trung tâm các xã, với tỷ lệ vượt hơn 79% so với mục tiêu”, ông Hải chia sẻ.
Theo Sở GTVT Lạng Sơn, năm 2019, người dân trên địa bàn tỉnh đóng góp 51,5 tỷ đồng và hiến 55.200m2 đất để cùng Nhà nước kiên cố hóa hệ thống đường GTNT. Bên cạnh sửa chữa, nâng cấp các trục đường sẵn có, địa phương cũng mở thêm hơn 40km đường GTNT. Hiện địa phương có 61/207 xã đạt tiêu chí về GTNT mới. Năm 2020, địa phương phấn đấu kiên cố hóa thêm 350km đường GTNT, nâng tỷ lệ cứng hóa đường đến trung tâm các xã đạt 82%.