Bình Thuận tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông nông thôn

Thứ hai, 13/04/2020 15:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Từ đó nhiều địa phương đã thực hiện tốt phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.

Huyện Hàm Tân là một điển hình trong triển khai thực hiện. Hiện nay, ai cũng cảm nhận được sự khang trang của tuyến đường trục chính vào các xã. Những trục đường đất đá, đi lại khó khăn trước đây nay đã được cải tạo, kiên cố hóa bằng bê tông.

Ông Văn Quý Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết, để phát triển giao thông nông thôn, ngay từ đầu năm 2019, huyện đã chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện theo tỷ lệ quy định cho các địa phương để triển khai thi công các tuyến đường giao thông nông thôn theo thứ tự ưu tiên, bức xúc. Phong trào xây dựng cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn theo Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, tổng số tuyến đường giao thông nông thôn thực hiện theo Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hàm Tân là 37 tuyến đường với tổng chiều dài 8,219km, tổng kinh phí đầu tư khoảng 8.026 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của tỉnh khoảng 4.323 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ của huyện khoảng 1.228 triệu đồng, nhân dân đóng góp khoảng 2.475 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân nhấn mạnh, lợi ích thiết thực từ việc xây dựng cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn đã giúp người dân đi lại sinh hoạt, vận chuyển thuận tiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần hoàn thành tiêu chí 2 - về giao thông trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn các xã.

Theo Đề án tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 70% km đường giao thông nông thôn ở thôn, xóm (kể cả ở địa bàn khu phố) được kiên cố hóa, trước hết tập trung các tuyến trên địa bàn dân cư và các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới; đường nội bộ trên các thôn, xóm, bản; đường vào khu sản xuất tập trung; đường hẻm, ngõ ngách trong đô thị.

Trong đó, chủ trương là xây dựng và phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời xác định việc phát triển giao thông nông thôn là sự nghiệp của nhân dân, thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” và huy động tối đa mọi nguồn vốn hỗ trợ từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Để triển khai thành công Đề án, tỉnh Bình Thuận đã cân đối nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước hàng năm bố trí vốn đủ, kịp thời cho các địa phương; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của chính quyền với mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, các địa phương tăng cường phát động phong trào thi đua xây dựng giao thông nông thôn đến từng thôn, xóm, khu phố, từng hộ gia đình nhằm tạo sự đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ. Quá trình thực hiện, các địa phương luôn lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, công khai minh bạch, bàn bạc dân chủ trong nhân dân theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ quá trình chuẩn bị dự án đến khi thi công hoàn thành công trình…

Thực tế cho thấy, qua thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, hệ thống giao thông của Bình Thuận đã hình thành bộ khung cơ bản, kết nối giữa trung tâm tỉnh với các huyện và giữa các huyện với nhau, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại, quá trình vận chuyển hàng hóa của nhân dân thuận lợi, nhanh chóng từ thành thị đến nông thôn. Từ năm 2011 đến 6/2019, Bình Thuận đã đầu tư được 978km/ 3.811 tuyến đường bê tông xi măng, với tổng kinh phí 959 tỷ đồng, trong đó vốn tỉnh hỗ trợ 484 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện hỗ trợ 146 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 329 tỷ đồng.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Bình Thuận

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)