Đường rộng, cầu chắc tạo động lực phát triển những vùng quê

Thứ sáu, 05/06/2020 15:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng được quan tâm đầu tư, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại, phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An có sự thay đổi vượt bậc. Nếu như năm 2010, khi bắt tay thực hiện chương trình, qua khảo sát toàn tỉnh chỉ có 2/166 xã cơ bản đạt tiêu chí giao thông thì đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thực trạng hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh Long An khá yếu, đường đất, cầu tạm,... Nhiều địa phương “than vãn”, tiêu chí giao thông khó thực hiện, nhất là ở những nơi có hệ thống kênh, rạch chằng chịt như khu vực Đồng Tháp Mười. Trong khi đó, để thực hiện thành công tiêu chí này, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và còn liên quan đến việc giải phóng mặt bằng.

“Khó khăn thế nào đi nữa thì cũng phải cố gắng thực hiện đạt kết quả cao nhất” - đó chính là phương châm thực hiện của chính quyền, đoàn thể đề ra trong các cuộc họp bàn XDNTM, nhất là với tiêu chí giao thông. Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào hiến đất làm đường lan tỏa, được đông đảo người dân hưởng ứng. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, người dân hiến đất cũng hiểu rõ, ngoài góp phần vì sự phát triển chung của quê hương thì chính bản thân, gia đình cũng được thụ hưởng những lợi ích mang lại.

Lưu thông trên con đường trải bêtông khang trang, hai bên đường nhiều cây xanh, hoa tỏa sắc vàng rực, bà Nguyễn Thị Nga (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) bày tỏ: “Mỗi người đóng góp, hiến một ít đất mở rộng các tuyến đường nhằm tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn. Đồng thời, đường được mở rộng, việc sản xuất, mua, bán thanh long của người dân nơi đây diễn ra thuận lợi hơn nhiều”.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều cá nhân điển hình đóng góp, hiến đất làm đường như ông Nguyễn Lương Duyên (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) hiến gần 6ha đất lúa; ông Nguyễn Văn Thơi (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) hiến gần 5ha đất lúa;… Ngoài những cá nhân, nhiều địa phương đã vận động, huy động được nguồn lực đóng góp khá lớn từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để làm GTNT, nổi bật là huyện Châu Thành và Tân Trụ.

Song song đó, trong đầu tư giao thông, tỉnh cũng huy động được nguồn tài trợ từ chương trình xây dựng cầu nông thôn cho 6 huyện, thị xã biên giới do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có hơn 100 cây cầu, cống được xây dựng từ chương trình này.

Thay đổi nhiều lắm!

Bà Lê Thị Năm, ngụ ấp 3, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, nay ngoài 60 tuổi không hề nghĩ có một ngày cây cầu Rạch Gốc Mỹ Bình 3 ra đời, nối đôi bờ của 2 xã biên giới Mỹ Bình và Mỹ Thạnh Tây. Từ ngày có cầu, phương tiện qua lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên. Bà tủm tỉm cười mà mắt rưng rưng: “Mừng quá! Vui quá! Vùng quê heo hút ngày nào từ khi cầu, đường được đầu tư mở rộng, thay đổi hẳn lên”.

Cách đây không lâu về dự lễ khánh thành cây cầu bắc qua kênh Ngang, tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, chúng tôi nhìn thấy những ánh mắt rạng ngời của người dân khi bước đi trên những con đường, cây cầu mới được đầu tư.

Những tuyến đường được đầu tư tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi

Anh Nguyễn Văn Lợi - người dân ở đây, bày tỏ: “Hồi trước không có đường, chủ yếu đi lại bằng xuồng ghe, cầu tạm bợ, xiêu vẹo… gây trở ngại cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản. Bây giờ có cầu rồi, khá thuận lợi cho con cháu đi học, người dân đi lại,… trở nên dễ dàng, an toàn hơn”.

Toàn tỉnh Long An hiện có 8.153km đường giao thông (tăng hơn 3.000km so với năm 2010). Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình NTM, kết cấu hạ tầng GTNT có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề, hiện trạng cần quan tâm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chưa có quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông nên chưa xây dựng được kế hoạch lâu dài để phát triển. Chất lượng mặt đường GTNT tại một số xã còn hạn chế, tỷ lệ mặt đường cấp phối còn cao. Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT còn nhiều bất cập như thiếu biển báo. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn nhiều. Mặt đường nhỏ, hẹp, tầm nhìn bị hạn chế, tải trọng thấp. Nhiều tuyến đường chưa đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư và huy động nhiều nguồn lực, nguồn vốn thực hiện, đồng thời thường xuyên quan tâm, có những giải pháp để bảo vệ, tu sửa, bảo trì các công trình nhằm phục vụ lâu dài” - ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin.

GTNT - tiêu chí khá quan trọng, là đòn bẩy để các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Những khát khao, mong mỏi của người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới có thêm những cây cầu, tuyến đường mới bây giờ đã, đang và sẽ trở thành sự thật. Điều đáng nói, trên những công trình cầu, đường GTNT đều mang đậm dấu ấn đóng góp của người dân./.

hoavt

Nguồn: Báo Long An

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)