Năm 2016, Huyện ủy Krông Pa (Gia Lai) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU về huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các xã, thị trấn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết này đã tạo bước đột phá giúp địa phương huy động tối đa nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Đầu tư hạ tầng từ nhiều nguồn vốn
Huyện Krông Pa có 2 tuyến quốc lộ (Quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông) đi qua với tổng chiều dài 78,4 km; 4 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 37,47 km; 32 tuyến đường nội thị dài 29,88 km và hệ thống đường trục xã, trục thôn, đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng dài 1.043,3 km. Ông Nguyễn Thanh Vân - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Pa cho biết: Trước khi Huyện ủy ban hành Nghị quyết 02, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường trục xã, trục thôn mới chỉ đạt 30%. Hạ tầng giao thông thời điểm đó còn một số hạn chế như: chưa được quy hoạch cơ bản, đầu tư thiếu đồng bộ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa; công tác duy tu, bảo dưỡng ít được quan tâm khiến nhiều tuyến đường nhanh xuống cấp; nguồn lực huy động đóng từ tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cho xây dựng giao thông nông thôn còn hạn chế.
Người dân xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đi trên đường liên thôn vừa được bê tông hóa.
Trước thực tế đó, huyện Krông Pa đã chủ động phân bổ, lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, vốn định canh định cư... để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Đồng thời, huyện tranh thủ các nguồn vốn trung ương, vốn ngân sách địa phương để đầu tư hoàn thiện hệ thống đường huyện và đường đô thị. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2019, toàn huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp được gần 165 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 231 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 207,65 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 11,78 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và nhân dân đóng góp). Dự kiến trong năm nay, huyện Krông Pa tiếp tục đầu tư làm mới và nâng cấp 22,38 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư khoảng 28,2 tỷ đồng. Riêng thị trấn Phú Túc đã kiên cố hóa được 7,35 km đường hẻm nội thị với tổng kinh phí gần 6,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2,81 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 306 triệu đồng, huyện hỗ trợ 2 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp hơn 1,34 tỷ đồng.
Nổi bật trong công tác phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Krông Pa trong những năm qua phải kể đến việc đầu tư xây dựng các công trình cầu dân sinh. Địa hình huyện Krông Pa bị chia cắt bởi nhiều sông suối, trong khi đó, nguồn lực địa phương hạn chế, việc đầu tư các công trình cầu, cống vượt sông suối chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, huyện được Sở Giao thông-Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ triển khai xây dựng nhiều cầu dân sinh từ nguồn vốn Dự án RLAMP. “Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 cây cầu (Ia Rmok, buôn Bluk, Chư Tê, Ơi Kia 1, Ơi Kia 2) và cống Ia Kia hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 62,23 tỷ đồng. Các công trình này đã góp phần quan trọng gia tăng tính kết nối giữa các địa phương, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn”-ông Vân cho biết.
“Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2015-2020, huyện Krông Pa được phân bổ 45 tỷ đồng đầu tư 9 tuyến đường khu vực nội thị; phân bổ 124,3 tỷ đồng đầu tư làm 19,12 km đường liên xã. Vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất bố trí 39,1 tỷ đồng đầu tư đường vào 3 buôn của xã Chư Drăng với chiều dài 10,8 km.
Ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Chư Gu đã rất quan tâm đến tiêu chí giao thông. Giai đoạn 2016-2019, xã đã đầu tư 27,8 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Đình Khánh - Bí thư Đảng ủy xã-phấn khởi cho biết: “Chư Gu có 6 thôn, buôn với gần 1.700 hộ, trên 7.000 khẩu, trong đó, hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, xã đã hoàn thành các nội dung tiêu chí giao thông: 100% đường liên xã, trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn được cứng hóa và 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Đây là kết quả của sự nỗ lực từ việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cũng theo ông Khánh, từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay, nhân dân xã Chư Gu đã tự nguyện hiến hơn 18.600 m2 đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, đóng góp số ngày công quy đổi tương đương hơn 570 triệu đồng. Đây là động lực không nhỏ để Chư Gu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
Để huy động sức dân cùng chung tay với Nhà nước xây dựng công trình giao thông, các xã, thị trấn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 02. Từ đó, vận động nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực đóng góp kinh phí, đất đai, công sức… để xây dựng hạ tầng giao thông. “Phát huy tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài kêu gọi người dân hiến đất làm đường, góp tiền, góp công… các địa phương áp dụng triển khai hình thức giao cho cộng đồng, nhóm thợ tại chỗ thực hiện xây dựng công trình. Hình thức này giúp người dân vừa có thể góp công, vừa tạo thêm thu nhập, tiết kiệm tối đa nguồn vốn đầu tư”, ông Vân chia sẻ.