Quảng Nam: Hoàn thành sớm chương trình bê tông hóa GTNT năm 2009

Thứ năm, 24/09/2009 07:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn (GNNT) năm 2009 của tỉnh sẽ về đích sớm. Đến 15-9, đã có 14/18 huyện, thành phố trong tỉnh thi công đạt 96% kế hoạch.

Theo ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn (GNNT) năm 2009 của tỉnh sẽ về đích sớm. Đến 15-9, đã có 14/18 huyện, thành phố trong tỉnh thi công đạt 96% kế hoạch.

Làm đường… vượt lũ

Ở thôn 8 xã miền núi Tam Trà (Núi Thành, có 80/ 83 hộ dân là đồng bào dân tộc Co, chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng nhưng vừa qua đã tích cực vận động nhau góp công cùng một số nhà doanh nghiệp tâm huyết làm nên 500m đường bê tông, rộng 3m. Sau đó, nhân dân trong thôn còn làm liền một mạch 2 tuyến đường bê tông xi măng phẳng lì, nối từ đường ĐT617 vào tới rừng tràm của dân, mở đầu cho phong trào bê tông hóa GTNT toàn xã Tam Trà. Chỉ tính riêng 1,5km đường bê tông thôn 8 xã Tam Trà, Nhà nước đầu tư 90%, tương ứng 6,48 tỷ đồng, còn lại 10% huy động người dân đóng góp 1.440 công, bình quân 50 nghìn đồng/công, tương ứng 720 triệu đồng. Tương tự, ở thôn Trà Tây xã Tam Mỹ Đông, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn, nhân dân đóng góp 50%. Trong vòng 20 ngày (hồi tháng 7-2009) đã hoàn thành 4km đường bê tông, rộng 3m, khép kín hệ thống đường bê tông thôn xã, với tổng kinh phí 11,2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 5,6 tỷ đồng. Đến ngày 31-8, toàn huyện Núi Thành đã bê tông hóa 50 tuyến đường thôn, xã với tổng chiều dài hơn 30km, tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.

Đến giữa tháng 6-2009, 14 xã, thị trấn huyện Quế Sơn đồng loạt ra quân cho nhân dân làm nền đường, tập kết vật liệu. Giá cát sỏi thời điểm này tăng đột biến từ 160 nghìn đồng lên 230 nghìn đồng/khối, có nơi lên tới 250 nghìn đồng nhưng tất cả đều phải đảm bảo theo yêu cầu của tổ giám sát kỹ thuật huyện. Trong tháng 8, UBND huyện đã chỉ đạo tổ giám sát kỹ thuật tiến hành nghiệm thu bước 1, rà soát việc tổ chức thực hiện của các xã, thị trấn đồng thời đôn đốc chỉ đạo thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình và sau đó mới nghiệm thu kỹ thuật bước 2 (nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng). Kết quả, đến ngày 25-8 huyện Quế Sơn đã xây dựng xong 134 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài 39,2km (kế hoạch tỉnh giao là 38 km), tổng mức đầu tư trên 18,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 9,5 tỷ đồng.

 Đáng lưu ý, các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Đông Giang… giai đoạn trước tiến độ còn chậm thì nay cũng đã khắc phục, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ trong 2 tháng qua, nên đã góp phần đảm bảo tiến độ chung của toàn tỉnh. Tính đến ngày 15-9 đã có 14/18 huyện, thành phố xây dựng hoàn thành 395km đường bê tông GTNT, tổng kinh phí trên 173 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 90 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch năm. Riêng các huyện miền núi cao như Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, đến nay mới đạt 50% kế hoạch năm.

Mục tiêu đến năm 2015 là kiên cố hoá 66% đường GTNT đã có nền đường kiên cố hóa (4.225km); trong đó có 3 huyện, thành phố đạt 100% (Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ), 5 huyện (Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh) đạt 70-80%. Hiện đã kiên cố hóa trước năm 2009 là 2.329km, tiếp tục thực hiện trong năm 2009 là 420km. Giai đoạn 2010-2015 kiên cố hóa 1.477km với tổng kinh phí đầu tư 751 tỷ đồng, bình quân 117 tỷ đồng/năm; chủ yếu ở các huyện đồng bằng và miền núi thấp theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.

Ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2015. Theo đó, hiện tại toàn tỉnh có 6.806km đường GTNT (gồm đường xã và đường dân sinh) chiếm trên 73% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ toàn tỉnh, có tỷ lệ đường xấu và rất xấu khá lớn (66%). Do vậy, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh…, phát triển GTNT là nhu cầu cấp bách cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn sắp đến.

Đối với các huyện đồng bằng và miền núi thấp (trung du) hiện có 1.860km đường xã đã kiên cố hóa được 819km, còn 1.041km cần kiên cố hóa mặt đường từ nay đến năm 2015. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra thì việc xây dựng đường dân sinh là loại đường chủ yếu của mạng lưới GTNT, phủ khắp địa bàn xã, với chiều dài 4.253km, hiện đã kiên cố hóa 1.380km. Như vậy, còn 2.873km đã có nền đường cần tiếp tục kiên cố hóa mặt đường. Yêu cầu kỹ thuật loại đường dân sinh phải đáp ứng tải trọng xe 10 tấn, bề mặt đường rộng từ 2 - 3m; những tuyến đường có mật độ phương tiện thấp có thể rộng 1,5 - 2m, tùy theo sự lựa chọn của nhân dân. Để đảm bảo các yêu cầu phát triển, khuyến khích mở rộng mặt đường nhưng phải cân nhắc các hiệu quả kinh tế vì sẽ làm tăng kinh phí đầu tư. Các tuyến đường có bề rộng nhỏ, cứ 100m hoặc tại các vị trí giao nhau phải mở rộng để bố trí đoạn tránh xe có bề rộng 3m, dài 10m.

 Ngoài ra, trong số 2.197km đường đã được kiên cố hóa giai đoạn 2001-2008 nhiều tuyến đường rất nhỏ, khó khăn khi vận chuyển nông sản do các phương tiện không tránh nhau được. Giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần xây dựng bổ sung các điểm tránh xe bên cạnh các tuyến đã kiên cố hóa hoặc mở rộng các ngã ba, ngã tư. Khối lượng dự kiến 10 nghìn điểm, mỗi điểm dài 10m, rộng 3m, tương đương 100m.

Ông Cận cho biết thêm, cơ cấu nguồn vốn cho các xã, phường, thị trấn ở các huyện, thành phố Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ 9 xã Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang và Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 4 xã Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây), ngân sách tỉnh hỗ trợ 35%. Ở các địa bàn này, ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối thiểu 20%, còn lại 45% huy động, đóng góp của nhân dân (khu vực I). Đối với khu vực II (các xã, thị trấn thuộc các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My; các xã,  xã đảo ở các huyện, thành phố không nằm trong khu vực I) thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%; ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối thiểu 20%, còn lại 10% huy động đóng góp của nhân dân.

BQN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)