Cùng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Thái, Mông để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Mai Châu đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Với địa hình rộng, nhiều đồi núi, song Mai Châu có hệ thống đường GTNT tương đối thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần mở đường đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Mạng lưới giao thông nông thôn xã Pà Cò (Mai Châu) được đầu tư, nâng cấp,
đáp ứng nhu cầu đi lại, góp phần phát triển du lịch cộng đồng
của địa phương. Ảnh chụp tại xóm Chà Đáy.
Bất cứ ai khi đặt chân tới Mai Châu đều ấn tượng với những cung đường quanh co, uốn lượn, ôm trọn những bản làng bên sườn núi. Những tuyến đường nội đồng, liên thôn, xóm khang trang, sạch đẹp, hai bên đường là những hàng hoa đủ sắc màu đã tạo sức hút đặc biệt đối với khách du lịch. Theo thống kê, toàn huyện có 608,23 km đường bộ (trừ quốc lộ, đường tỉnh), trong đó, đường nhựa 64,69 km; bê tông xi măng 333,77 km; cấp phối 14,29 km; đường đất 195,47 km. Huyện có 7 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM, gồm: Tòng Đậu, Chiềng Châu, Mai Hạ, Vạn Mai, Mai Hịch, Xăm Khòe và Pà Cò. 4 xã đạt 3 chỉ tiêu, 3 xã đạt 2 chỉ tiêu, 1 xã đạt 1 chỉ tiêu.
Đồng chí Phạm Văn Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết: Trong hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và đời sống dân sinh, giao thông được xem là "mạch máu” vận hành cả hệ thống. Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ quyết định sự phát triển KT-XH, trong đó có du lịch. Mai Châu là địa phương có mạng lưới giao thông đa dạng, gồm đường bộ, 1 bến thủy nội địa (bến Bãi Sang) và 14 bến đò ngang. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đã góp phần mở đường đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cũng như kết nối các bản du dịch, tour, tuyến du lịch.
Thực hiện đề án cứng hóa đường GTNT giai đoạn 2017 - 2020, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp để thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 10,49 km/45 tuyến, còn 0,7 km/2 tuyến đang triển khai thi công. Tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hơn 3,2 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện quan tâm triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường. Tập trung nguồn lực khắc phục kịp thời, bố trí lực lượng trực thường xuyên tại vị trí ngầm, cầu trên các tuyến đường; cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở, vị trí cầu, ngầm sung yếu. Huyện duy trì chiến dịch "Toàn dân tham gia làm GTNT” vào tháng 4 và tháng 11, để thực hiện duy tu, sửa chữa đường GTNT. Năm 2020, huy động làm đường GTNT ước khoảng trên 115 nghìn ngày công.
Pà Cò là xã có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng lại là 1 trong 7 xã của huyện đạt tiêu chí số 2 trong xây dựng NTM. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, cùng với sự đồng thuận của Nhân dân trong phong trào làm đường GTNT. Người dân sẵn sàng hiến đất ở, đất vườn, phá tường bao xây kiên cố để làm đường giao thông; tích cực đóng góp ngày công lao động, chủ động giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công. Tính đến nay, toàn xã có 4,64/4,64 km đường trục xóm, liên xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%; 9,4/9,7 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 96,9%; 6,91/9,22 km đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 74,9%... Giao thông đi lại thuận tiện giúp đồng bào Mông phát triển KT-XH, nhất là phát triển du lịch cộng đồng. Hiện, xã Pà Cò thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế tới khám phá bản Mông xinh đẹp, góp phần nâng cao đời sống người dân.