Xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) là một tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM). Đây cũng là một trong những tiêu chí cần đầu tư nhiều kinh phí nhất và khó thực hiện. Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã chủ trương thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường GTNT phục vụ xây dựng NTM theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, góp phần tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
Xác định GTNT là một trong những tiêu chí góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và quyết định thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, qua kiểm tra, rà soát nhu cầu thực tế ở các địa phương, UBND tỉnh đã chia làm hai giai đoạn thực hiện GTNT. Đến nay, các địa phương triển khai được 33 công trình GTNT với tổng kinh phí đầu tư là 35 tỷ đồng. Với kết quả này, tuy chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra, song đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thi công làm lộ giao thông nông thôn xã Phong Thạnh Đông A (thị xã Giá Rai)
Phong trào xây dựng NTM như một luồng gió mới làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong đó, có thể thấy sự thay đổi rõ nét nhất trong kết cấu hạ tầng GTNT, các tuyến đường giao thông từng bước được nhựa hóa, bê tông hóa thay thế cho các tuyến lộ đất đen sình lầy và đường đá xô bồ. Một khi hệ thống đường giao thông được bê tông hóa sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Là người trực tiếp được hưởng lợi, nên phong trào làm GTNT được người dân đồng tình ủng hộ, nhiều hộ nông dân đã tự giác hiến đất, dỡ bỏ hàng rào để mở rộng lộ.
Ông Dương Văn Thanh (ấp Hoàng Quân 2, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Có được con lộ bê tông để đi lại thuận tiện trong hai mùa mưa nắng và an toàn cho con em đến trường, giao thương phát triển là mong ước bấy lâu nay của người dân nơi đây. Do đó, ngay khi địa phương vừa phát động, phong trào làm GTNT đã được người dân nhiệt tình tình hưởng ứng”.
Theo ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: Sau khi tỉnh có chủ trương, huyện, xã đã tổ chức họp dân xin ý kiến làm lộ giao thông với hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm và hầu hết người dân đều đồng tình. Tuyến đường nào có tỷ lệ người dân đồng tình cao thì ưu tiên làm trước, tuyến đường nào có ý kiến chưa đồng tình, ủng hộ thì chính quyền địa phương tiếp tục vận động…
Giai đoạn 2, tỉnh phân bổ 100 tỷ đồng, ưu tiên tập trung giải quyết các đường giao thông xuống cấp, hư hỏng nặng, các tuyến bức xúc, đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc... Để thực hiện tốt công tác này, các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đi cùng với đó là tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, người dân chung tay cùng Nhà nước sửa chữa, nâng cấp các công trình lộ GTNT, sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.