Thông qua chương trình nhà nước hỗ trợ xi măng và nhân dân tự làm đường giao thông nông thôn nhiều huyện đã xây dựng được phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn rất phát triển xuống từng thôn bản như huyện Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Quan, Chi Lăng. Hàng trăm km đường giao thông liên thôn được bê tông hóa đã khẳng định một chủ trương đúng đắn về định hướng phát triển giao thông nông thôn đối với một tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn như Lạng Sơn.
Trong nhiều năm qua, chủ trương nhà nước hỗ trợ xi măng và nhân dân tự làm đường giao thông nông thôn đã trở thành một phong trào phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh.
Thông qua chương trình này nhiều huyện đã xây dựng được phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn rất phát triển xuống từng thôn bản như huyện Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Quan, Chi Lăng. Hàng trăm km đường giao thông liên thôn được bê tông hóa đã khẳng định một chủ trương đúng đắn về định hướng phát triển giao thông nông thôn đối với một tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn như Lạng Sơn.
HĐND tỉnh có Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 05/8/2002 về phê chuẩn đề án phát triển giao thông nông thôn đến năm 2005 địa bàn tỉnh Lạng Sơn; sau đó là chủ trương về thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, đường liên thôn, liên xã giai đoạn 2006-2010 và phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2010 của tỉnh. Nhằm cụ thể hóa những chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống, hằng năm UBND tỉnh đã bố trí một phần ngân sách, đặc biệt từ năm 2006 trở lại đây, nguồn vốn cho sự nghiệp này ngày càng tăng và ổn định. Đây là chất xúc tác hiệu quả nhằm huy động sức dân trong công tác củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Trong hai năm 2008 và 2009 UBND tỉnh đã hỗ trợ 30.000 tấn xi măng cho việc phát triển bê tông hóa đường giao thông thôn bản, trong năm 2010, nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển giao thông địa phương tiếp tục được UBND tỉnh bố trí tương đương với năm 2009. Cũng từ nguồn hỗ trợ này mà hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực nông thôn hàng năm được bổ sung đáng kể, nếu năm 2008 với 15.000 tấn xi măng toàn tỉnh đã bê tông hóa được 150 km đường thôn bản thì năm 2009 cũng số lượng xi măng ấy bà con trong toàn tỉnh đã làm được tới 171 km đường bê tông nâng tổng số mặt đường bê tông xi măng toàn tỉnh lên 994 km. Chỉ tính riêng trong năm 2009 giá trị thực hiện đối với công tác phát triển giao thông nông thôn đã là 52 tỷ đồng và huy động được gần 500.000 ngày công cho công tác phát triển giao thông nông thôn. Thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình là một trong những đơn vị điển hình về phong trào bê tông hóa đường giao thông liên thôn, hiện nay hầu hết các khu phố, thôn bản của thị trấn đã được bê tông hóa. Chị Hoàng Thị Hoa - một người dân ở khu VI thị trấn Na Dương cho biết, với chủ trương nhà nước hỗ trợ và huy động sự đóng góp của người dân, chúng tôi không ngại đóng góp cả bằng tiền lẫn ngày công cho công tác này. Còn nhớ trong năm 2008, toàn khu VI niềm vui ngập tràn khi nhà nước hỗ trợ xi măng để bê tông hóa con đường nối trường tiểu học mỏ tới khu dân cư số VI. Con đường này được bê tông đã giúp các cháu đến trường được nhanh và an toàn hơn.
Với chủ trương đúng đắn và đi vào lòng người, trong những năm qua, việc xây dựng đường giao thông nông thôn đã trở thành một phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới ngày càng có chuyển biến về chất. Năm mới đang đến gần, một phong trào làm đường giao thông nông thôn đầu năm đang được các cấp ngành và nhân dân chủ động vào cuộc.
BLS