Năm 2009 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết 42 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển GTNT giai đoạn 2006- 2010. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư, giá nguyên vật liệu tăng cao, việc lồng ghép các chương trình dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế... song với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị; sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của ban chỉ đạo GTNT các cấp và việc vận dụng tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong quá trình làm đường giao thông, nên kết quả huy động vốn đầu tư cho GTNT đạt khá cao.
Năm 2009 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết 42 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển GTNT giai đoạn 2006- 2010. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư, giá nguyên vật liệu tăng cao, việc lồng ghép các chương trình dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế... song với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị; sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của ban chỉ đạo GTNT các cấp và việc vận dụng tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong quá trình làm đường giao thông, nên kết quả huy động vốn đầu tư cho GTNT đạt khá cao. Toàn tỉnh đã huy động 716,2 tỷ đồng, vượt 69,3% so với KH năm 2009-2010, trong đó vốn ngân sách tỉnh và Trung ương đầu tư là 434,4 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 96,7 tỷ đồng; ngân sách cấp cơ sở đầu tư 13 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 124,3 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Từ nguồn vốn này, toàn tỉnh đã nâng cấp 926km đường giao thông các loại, mở mới 36km đường, xây dựng mới hàng chục cầu, tràn... làm cho mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện; chất lượng các tuyến đường được nâng cấp.
Ngay sau hội nghị tổng kết công tác phát triển giao thông nông thôn năm 2009, Ban Chỉ đạo GTNT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển GTNT năm 2010 theo hướng: “Vừa chú trọng phát triển theo quy hoạch, vừa nâng cấp các tuyến đường GTNT; gắn phát triển GTNT với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất. Thực hiện có hiệu quả phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động tốt các nguồn nội lực của nhân dân, có cơ chế quản lý sau đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình...” Thực hiện mục tiêu: Tổng huy động các nguồn lực cho giao thông năm 2010 là 568,6 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp trên 1.000 km đường giao thông các loại.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo GTNT tỉnh, ngay trong quý 1, hầu hết các huyện, thành, thị trong tỉnh đều tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về phong trào phát triển GTNT năm 2009 và triển khai kế hoạch thực hiện trong năm 2010, cụ thể hoá các chỉ tiêu kế hoạch về khối lượng, kinh phí thực hiện đến từng xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý năm nay, phong trào phát triển GTNT được triển khai trong điều kiện có nhiều thuận lợi, đó là kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục có sự phát triển khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, phong trào làm GTNT đã được xã hội hoá từ cơ sở. Nhiều thôn xóm khu dân cư người dân đã tự huy động nguồn lực tại chỗ để “cứng hoá” mặt đường giao thông. Ở nhiều làng, xã người dân không chỉ đóng góp kinh phí, ngày công lao động hay vật liệu làm đường giao thông mà còn tự nguyện hiến hàng trăm mét đất, cây cối hoa màu để giải phóng mặt bằng mở rộng đường giao thông như ở các huyện miền núi: Thanh Ba, Đoan Hùng, Hạ Hoà, Yên Lập, TX Phú Thọ... Các bộ, ngành Trung ương cũng tiếp tục dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho giao thông, cụ thể như Chính phủ tiếp tục đầu tư cho chương trình phát triển GTNT thông qua các chương trình dự án: 135, xoá đói giảm nghèo, trung tâm cụm xã miền núi, các xã đặc biệt khó khăn.... Năm nay UBND tỉnh sớm ban hành quyết định về việc duyệt phân bổ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư năm 2010 cho các chương trình, trong đó riêng chương trình “cứng hoá” đường giao thông bằng bê tông xi măng sẽ được hỗ trợ 20 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%), hạ tầng giao thông các huyện được hỗ trợ 12 tỷ đồng. Một thuận lợi nữa của phong trào làm GTNT năm 2010 chính là kinh nghiệm tổ chức thực hiện, quản lý dự án, sự phối kết hợp giữa các cấp các ngành, bài học về huy động và sử dụng các nguồn lực trong quá trình đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông từ nhỏ đến lớn đã được đúc rút qua nhiều năm thực hiện. Người dân đã thấy được những lợi ích, hiệu quả thiết thực của các công trình đường giao thông sau đầu tư, đặc biệt là những hiệu quả kinh tế do đường giao thông mang lại. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu huy động vốn đầu tư cho GTNT trong năm 2010 nói riêng và các mục tiêu của Nghị quyết 42 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển GTNT giai đoạn 2006-2010 nói chung, ngay từ những tháng, quý đầu năm, phong trào làm GTNT đang rất cần sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trong tỉnh, từng bước khắc phục, tháo gỡ mọi khó khăn, tồn tại nhằm triển khai thực hiện, cũng như huy động các nguồn lực đầu tư một cách có hiệu quả.
BPT