Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Thanh Miện đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Dự án đường vành đai phía Đông Bắc huyện Thanh Miện
đã cơ bản hoàn thành GPMB, đang được triển khai thi công
Phát triển hệ thống giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Thanh Miện ưu tiên đầu tư trong nhiều năm qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đồng bộ
Nhiều năm qua, nhu cầu đi lại và giao thương hàng hoá của người dân ở các xã phía Tây Nam huyện Thanh Miện phụ thuộc chủ yếu vào đường tỉnh 392B. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc phát triển các cụm công nghiệp, khu dân cư "bám đường" đã khiến tuyến đường này quá tải. Dù đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng đường tỉnh 392B vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để giảm áp lực cho tuyến đường này và mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các xã phía Tây Nam, huyện Thanh Miện đã đầu tư trên 45 tỷ đồng xây dựng tuyến đường Cao Thắng - Tiền Phong dài khoảng 5 km, rộng 7 m, chạy qua địa bàn 4 xã.
Đầu năm 2022, tuyến đường này đã chính thức được đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi. Ông Trần Văn Khoẻ, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết đây sẽ là trục xương sống giúp các xã phía tây nam dựa vào để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. "Để kết nối đồng bộ với các tuyến đường khác trong khu vực, huyện Thanh Miện đang có chủ trương đầu tư gần 15 tỷ đồng để cải tạo đoạn đường dài 2,2 km từ đường tỉnh 392B đến đường huyện Cao Thắng - Tiền Phong", ông Khoẻ cho biết.
Dù đã về đích nông thôn mới nhưng kết cấu hạ tầng giao thông của xã Ngô Quyền vẫn chưa đồng bộ do đường huyện 194 chạy qua địa bàn xã đã nhiều năm không được nâng cấp, mở rộng, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, đường 194 là tuyến giao thông huyết mạch giúp xã Ngô Quyền kết nối trực tiếp với các đường tỉnh 392, 393. Nhằm giúp địa phương này gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế, huyện Thanh Miện đã đầu tư 77 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hơn 6 km đường huyện 194.
Ông Hoàng Kim Luận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngô Quyền cho biết, việc nâng cấp, cải tạo đường huyện 194 sẽ giúp địa phương phát triển một số ngành nghề dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy quá trình trao đổi hàng hoá với các địa phương lân cận. Nhưng để thực hiện dự án, chính quyền xã phải thu hồi 27.000 m2 đất của 168 hộ. Đến nay, đã có 138 hộ tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, giải phóng mặt bằng. Xã Ngô Quyền phấn đấu hết Quý III sẽ hoàn thiện giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.
Thúc đẩy kinh tế
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Miện xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm tạo nền tảng phát triển kinh tế. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào hiến đất làm đường ở Thanh Miện lan toả rộng khắp. Hàng chục tuyến đường mới xây hoặc được nâng cấp, mở rộng đã làm thay đổi diện mạo của các xã, thị trấn, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ, gắn kết giúp Thanh Miện khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của từng địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp mới được thành lập trong thời gian tới.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong giai đoạn 2012-2020, huyện đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để hoàn thiện tiêu chí giao thông, chiếm khoảng 10% tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn lực huy động trong dân và các doanh nghiệp chiếm khoảng 15%, còn lại được trích từ ngân sách huyện, cấp xã và hỗ trợ của cấp trên. Đến nay, huyện Thanh Miện đã nâng cấp, mở rộng được gần 500 km đường giao thông, tăng khoảng 200 km so với năm 2011. Huyện đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều tuyến giao thông trọng điểm khác như đường vành đai phía đông bắc, phía đông nam huyện, cải tạo đường tỉnh 396, đường huyện 195, 194... với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo huyện Thanh Miện cho biết, việc chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đã giúp bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của huyện luôn duy trì ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần, lĩnh vực thương mại, dịch vụ giữ vai trò chủ đạo. Thời gian tới, bên cạnh phát huy hiệu quả các công trình giao thông, huyện sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Trong đó đặc biệt ưu tiên các xã vùng xa, còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực phía tây bắc, tây nam huyện.
Ông Vũ Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải đánh giá mạng lưới giao thông của huyện Thanh Miện hiện nay tương đối tốt. Với 12 km đường của dự án xây dựng đường trục Đông - Tây tỉnh đã được khởi công đi qua địa bàn huyện Thanh Miện và 6,5 km đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện sẽ tạo cơ hội rất tốt cho Thanh Miện kết nối với nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tạo mạng lưới giao thông kết nối giữa Hải Dương - Hưng Yên và Thanh Miện - Ninh Giang để thu hút đầu tư, tạo điều kiện bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung, huyện Thanh Miện nói riêng.