Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, ở nhiều địa phương, người dân không những góp công mà sẵn sàng hiến cả “tấc vàng” để đường làng ngày càng to đẹp.
Người dân thôn Văn Tảo, xã Thanh An (Thanh Hà) tháo dỡ công trình, hiến đất để mở rộng đường làng
Góp công, góp của
Dẫn chúng tôi đi thăm con đường làng mới mở, bà Nguyễn Thị Hộp ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) phấn khởi khoe: “Trước đây, con đường này là mảnh vườn sau nhà của gia đình tôi. Để thuận tiện đi lại, người dân trong xóm chúng tôi đồng lòng hiến đất, mỗi nhà vài chục, có nhà tới cả trăm m2 đất ở. Riêng gia đình tôi hiến 251 m2 đất ở và hàng chục triệu đồng để làm con đường này. Đường làng to, đẹp, người dân đi lại thuận lợi nên ai cũng phấn khởi”.
Bà Hộp cho biết thôn Thụy Trà và khu vực xóm 6, xóm 7 của thôn Mạn Đê nằm liền kề nhau, nhưng mỗi khi có việc người dân phải đi vòng gần 1 cây số mới sang được thôn bên kia. Đáp ứng mong mỏi của người dân, xã đứng ra kêu gọi, vận động nhân dân hiến hơn 1.000 m2 đất ở để làm đường dài hơn 200 m kết nối từ thôn Thụy Trà sang thôn Mạn Đê, chiều rộng mặt đường từ 5-6m, có hệ thống thoát nước và đường điện kiên cố
Những con đường làng quanh co, nhỏ hẹp ở xã Thanh An (Thanh Hà) đã được thay thế bằng đường trải bê tông to đẹp, thẳng tắp. Ông Vũ Văn Thắng, Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Văn Tảo, xã Thanh An cho biết chỉ từ đầu năm đến nay, cùng với sự hỗ trợ của xã, người dân trong thôn đã hiến hơn 2.000 m2 đất ở để nâng cấp gần 3 km đường GTNT. Toàn bộ tuyến đường trục chính của thôn đều mở rộng mặt đường từ 3 m lên 5 - 6,5 m, có hệ thống rãnh thoát nước, điện thắp sáng… “Mặc dù tỉnh không hỗ trợ xi măng như trước nhưng phong trào mở rộng đường vẫn lan tỏa. Hầu hết các xóm trong thôn đều có kế hoạch mở rộng đường giao thông”, ông Thắng nói.
Được biết, hệ thống đường giao thông thôn, xóm của xã đã được bê tông hóa từ những năm 2000, nhưng mặt đường chỉ rộng từ 2 - 3 m, lại xuống cấp. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, xã đã xây dựng Đề án “Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường GTNT trên địa bàn xã giai đoạn 2021 - 2022”. UBND xã vận động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, con em quê hương đóng góp với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này dùng để hỗ trợ xi măng xây dựng 14 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4,5km. Đến nay, nhân dân trong xã hiến hơn 5.000 m2 đất, chủ yếu là đất thổ cư để nâng cấp, mở rộng 10 tuyến đường thuộc đề án trên với tổng chiều dài 3,6 km và hơn 1,4km đường xóm với mặt đường rộng từ 5 -7 m.
Động lực phát triển kinh tế
Với mục tiêu trở thành vùng nông nghiệp hữu cơ cùng với du lịch nông nghiệp trải nghiệm, xã An Thanh (Tứ Kỳ) cũng đang đầu tư xây dựng công trình giao thông để kết nối và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Tuyến đường trục chính có tổng chiều dài khoảng 5 km chạy qua 3 thôn An Định, Thanh Kỳ và An Lao. Mặt đường rộng đến 7,5 m, trải nhựa, có vỉa hè và hệ thống chiếu sáng. Để mở rộng đường, gần 400 hộ dân ở 3 thôn đã hiến 5.000 m2 đất ở, ước tính khoảng 60 tỷ đồng. Con đường mới sẽ mang lại luồng sinh khí mới để An Thanh ngày càng phát triển.
Cũng xác định công tác xây dựng đường GTNT sẽ tạo bàn đạp thúc đẩy phát triển kinh tế nên chưa giai đoạn nào, người dân xã Thanh An lại hào hứng hiến đất, đóng góp kinh phí lên tới hàng tỷ đồng để làm đường giao thông như hiện nay. Đường được mở rộng, việc vận chuyển hàng hóa, kinh doanh của người dân trong thôn, xóm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Kinh tế phát triển nên người dân đều phấn khởi. "Địa phương phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ các tuyến đường giao thông trong xã đều được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Đắc Chiếm, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết.
Nhiều tuyến đường sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư xây dựng giúp các xã thuận lợi hơn trong thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch, nông nghiệp, qua đó phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các tuyến đường giao thông giữa các thôn, xóm được kết nối và mở rộng đã rút ngắn khoảng cách từ thôn lên xã, từ xã lên huyện... đáp ứng mong mỏi của người dân.
Từ năm 2016 - 2020, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, sửa chữa, cải tạo và nâng cấp 1.187 km đường GTNT. Kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước 319,7 tỷ đồng; nguồn ngân sách xã và nhân dân đóng góp khoảng 1.278,8 tỷ đồng. Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ các tuyến đường GTNT làm từ năm 2021 đến nay, nhưng chắc chắn sẽ có thêm nhiều tấm gương hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.