Xác định giao thông là yếu tố cốt lõi trong kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển KT-XH, cấp uỷ, chính quyền huyện Lạc Thuỷ (tỉnh Hòa Bình) đã chú trọng đầu tư đồng bộ. Nhờ đó, người dân được hưởng lợi trực tiếp, góp phần tạo nên sự phát triển toàn diện cho huyện.
Những năm qua, Nhân dân khu dân cư Đồi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ)
đóng góp tiền, ngày công, góp phần cứng hoá 100% đường giao thông toàn khu dân cư.
Xã Phú Thành có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, trong đó, hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa. Toàn xã có hơn 2.100 hộ, hơn 8.800 nhân khẩu, sinh sống tại 10 thôn, xóm. Tổng chiều dài đường bộ của xã hơn 53 km, trong đó, hơn 26 km đường bê tông nhựa, bê tông xi măng, láng nhựa; hơn 12 km đường cấp phối; hơn 10 km đường cứng hoá khác và hơn 5 km đường đất. Nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại, sản xuất của Nhân dân và tạo không gian xanh - sạch - đẹp, xã chủ trương đề xuất, kiến nghị và thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện chiến dịch toàn dân làm giao thông, thủy lợi, xã huy động gần 1.700 ngày công duy tu, sửa chữa các loại đường được 32 km; đào rãnh thoát nước hơn 24.400 m2; khai thác đất, đá hỗn hợp vá ổ gà hơn 900 m3; phát quang tầm nhìn hai bên đường 20.500 m2… với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Người dân đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia, tự nguyện phá dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối, giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường để công trình sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tại thị trấn Ba Hàng Đồi, khu dân cư Đồi thực hiện tiêu chí giao thông với "Chiến dịch toàn dân làm giao thông nông thôn, thủy lợi” do UBND thị trấn phát động. Theo đó, nhiều gia đình hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn với 3,5/3,5 km đường được cứng hóa theo quy định, tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp 90 triệu đồng. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với công tác "Dân vận khéo” tạo sự đoàn kết, đồng lòng thực hiện trong Nhân dân.
Đến nay, tổng số km đường bộ của huyện dài hơn 900 km. Thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, có 4/8 xã đạt, 4/8 xã còn lại đạt 3/4 chỉ tiêu của tiêu chí giao thông. Triển khai phong trào toàn dân tham gia làm giao thông nông thôn năm 2022, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện trong 2 đợt vào tháng 4 và tháng 11. Các xã, thị trấn đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo, phát động triển khai đến các thôn, xóm, khu dân cư. Qua đó kịp thời duy tu, sửa chữa, khắc phục, bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng.
Trong đợt 2 vào tháng 11, đã thực hiện duy tu, sửa chữa đường huyện, đường xã, thôn, ngõ xóm, nội đồng 330 km, đạt 100% kế hoạch; sửa chữa cầu phao, cầu gỗ qua suối, sông ở 6/6 vị trí; đào đắp đất, đá các loại, vá ổ gà hơn 500 m3. Trong đó, huy động Nhân dân tham gia làm giao thông nông thôn gần 4.500 ngày công.
Đồng chí Bùi Văn Chương, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lạc Thủy cho biết: Các tuyến đường, cầu, ngầm hiện đang khai thác đảm bảo kết cấu, quy mô, phát huy được tính năng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương. Ban An toàn giao thông huyện thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông tỉnh, Chi cục Quản lý đường bộ, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản trường hợp vi phạm hành lang giao thông, đề nghị các hộ tự tháo dỡ theo quy định.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đường giao thông qua hình thức giao các hội, tổ, đội, nhóm hộ tự quản có trách nhiệm quản lý, duy tu, sửa chữa các tuyến đường được giao, đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện”.