Thông cáo báo chí nội dung Họp báo Quý I năm 2019

Thứ năm, 28/03/2019 17:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác Quý I

và nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2019

 

 
   

 

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC QUÝ I VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ II/2019

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác Quý I/2019

Bộ GTVT đã hoàn thành 100% chương trình công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT.

Quý I/2019 là tháng cao điểm phục vụ vận tải và bảo đảm TTATGT trước, trong, sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã bám sát kế hoạch và chỉ đạo của Bộ, triển khai các giải pháp đồng bộ bảo đảm TTATGT và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đã phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Lễ ra quân năm ATGT 2019; triển khai các nhiệm vụ bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và Đoàn Lãnh đạo cấp cao Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam.

Sản lượng vận tải Quý I/2019 ước đạt 412,19 triệu tấn hàng, tăng 8,6%; đạt 1.236,96 triệu lượt hành khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 78,13 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 55,69 tỷ HK.km; tăng 6,5% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 3/2019, sản lượng vận tải ước đạt 134,29 triệu tấn hàng và 414,34 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 25,61 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách đạt 18,81 tỷ HK.km.

Quý I năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/3/2019), cả nước xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người; so với Quý I/2018, giảm 644 vụ (giảm 13,78%), giảm 244 người chết (giảm 11,35%), giảm 486 người bị thương (giảm 13,4%). Riêng tháng 3/2019, cả nước xảy ra 1.208 vụ, làm chết 549 người, bị thương 972 người; so với tháng 3/2018, giảm 121 vụ (giảm 9,1%), giảm 94 người chết (giảm 14,62%), giảm 138 người bị thương (giảm 12,43%).

Công tác chuẩn bị các dự án trọng điểm của ngành như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án CHKQT Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng... tiếp tục được Bộ tập trung triển khai bám sát kế hoạch đề ra. Bộ đã phối hợp tổ chức Hội nghị do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì để triển khai công tác GPMB cho các Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; đồng thời tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 về việc thực hiện công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về UBND tỉnh Tiền Giang nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án.

Tổng nguồn vốn đầu tư NSNN năm 2019 được giao đến nay là 10.661 tỷ đồng. Kết quả giải ngân 03 tháng năm 2019 ước đạt 2.906 tỷ đồng, đạt 27,3% kế hoạch.

Đã ban hành và triển khai kế hoạch CCHC, kiểm soát TTHC năm 2019 và yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tự đánh giá, chấm điểm và xác định chỉ số CCHC năm 2018 của Bộ GTVT. Trong Quý I/2019, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận 70.589 hồ sơ giải quyết theo cơ chế một cửa, đã giải quyết 69.405 hồ sơ đúng thời hạn và 1.184 hồ sơ đang giải quyết. Đưa vào sử dụng 55 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT lên 310 dịch vụ công trực tuyến. Đã tiến hành gửi, nhận, xử lý văn bản trên trục liên thông văn bản điện tử từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

2. Nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2019

- Bộ GTVT tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ 02 dự thảo Nghị định, trình Bộ trưởng 06 dự thảo Thông tư trong chương trình công tác Quý II/2019.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt trong mùa Lễ hội Xuân 2019 và trong thời gian diễn ra Đại lễ Vesak 2019.

- Ban hành kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.

- Tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị, thực hiện các dự án: Lập báo cáo NCTKT Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Tiếp tục chủ động rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập tại một số dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án; lập, trình quyết toán các dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch.

- Tổ chức thành công Diễn đàn Tìm kiếm cứu nạn GTVT ASEAN lần thứ 7 từ ngày 29 - 31/5/2019 và Hội nghị Quan chức cấp cao GTVT ASEAN lần thứ 47 (STOM 47) từ ngày 18 - 20/6/2019 tại Đà Nẵng.

B. THÔNG TIN VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

I. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020

1. Kế hoạch và tiến độ thực hiện

- Về công tác phê duyệt dự án: đến ngày 31/10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

- Về kế hoạch thực hiện các bước sau TKCS: Lập kế hoạch triển khai tổng thể, chi tiết các dự án: Các Ban QLDA/CĐT đã trình Bộ chấp thuận 11/11 dự án. Theo kế hoạch, tiến độ hoàn thành công tác khảo sát thiết kế cắm cọc, bàn giao cọc GPMB, mốc lộ giới các dự án trước ngày 30/4/2019; Các dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn xây dựng kế hoạch với tiến độ bàn giao cọc GPMB trước ngày 15/3/2019. Về tiến độ hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật: Dự án Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành tháng 5/2019, Cam Lộ - La Sơn hoàn thành tháng 6/2019 và các dự án còn lại hoàn thành trong tháng 8, 9/2019. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc biệt thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến tháng 11/2019 hoàn thành.

- Về lập và phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, TKKT:11/11 dự án đã được Bộ phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, TKKT.

- Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai công tác thiết kế cơ bản phục vụ cắm cọc GPMB: việc tổ chức lựa chọn nhà thầu Tư vấn khảo sát, TKKT: đã ký hợp đồng với các nhà thầu Tư vấn khảo sát, TKKT 11/11 dự án (03 dự án đầu tư công thuộc các đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2; 08 dự án PPP thuộc các đoạn: Mai Sơn - QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây).

2. Công tác giải phóng mặt bằng

Ngày 21/2/2019, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì. Ngày 21/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 07/CT-TTg về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

- Về kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương: Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Tỉnh có dự án đi qua (11 dự án) về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban QLDA làm việc với địa phương; các Ban QLDA đã và đang phối hợp làm việc cụ thể với các địa phương, Sở Tài nguyên môi trường các Tỉnh để cập nhật kế hoạch sử dụng đất cho dự án năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Về triển khai công việc: UBND các Tỉnh đã có các quyết định, văn bản triển khai công tác GPMB gửi các Sở, ban, ngành của địa phương cho 11/11 dự án; Các Ban QLDA đã thành lập Tổ chuyên trách về công tác GPMB cho từng dự án.

 - Về thành lập Hội đồng GPMB (hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) cho các dự án: 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các Hội đồng GPMB; riêng dự án Phan Thiết – Dầu Giây qua 02 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các Huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường GPMB trên cơ sở kiện toàn lại Hội đồng bồi thường GPMB của dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết để thực hiện dự án theo đúng quy định.

3. Kế hoạch tiếp theo sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công một số gói thầu của 03 dự án đầu tư công sau khi phê duyệt TKKT và đấu thầu dự toán và lựa chọn nhà đầu tư cho 08 dự án PPP.

II. Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

1. Về tiến độ lập FS: Đến thời điểm hiện tại, Tư vấn đã triển khai công tác lập FS đáp ứng theo tiến độ và chất lượng theo hợp đồng đã ký. Đến ngày 15/3/2019 Tư vấn đã nộp Báo cáo lần 03 để các cơ quan của Bộ xem xét và có ý kiến trước khi kết thúc công tác lập FS tại báo cáo lần 04 vào ngày 30/5/2019.

2. Về giao thông kết nối Cảng HKQT Long Thành: Bộ GTVT đã chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu và đề xuất các phương án giao thông kết nối trực tiếp, gián tiếp đến Cảng HKQT Long Thành đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông từ Cảng HKQT Long Thành đến Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận khác. Dự kiến trình FS với Chính phủ vào tháng 6/2019 và dự kiến Chính phủ báo cáo Quốc hội vào tháng 9/2019.

3. Về thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước: Căn cứ Quyết định thành lập HĐTĐNN của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tập hợp đầy đủ danh sách nhân sự các Bộ, Ngành tham gia vào HĐTĐNN. Hội đồng đang lập kế hoạch thẩm định, thành lập tổ chuyên môn giúp việc để triển khai công việc.

4. Dự án thành phần về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (UBND Tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư):

- Đối với khu đất 364,21ha để xây dựng 02 khu tái định cư: ngày 11/3/2019 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 720/QĐ-UBND và số 722/QĐ-UBND V/v thu hồi đất do Công ty TNHH 1TV Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thực hiện Khu dân cư tái định cư Lộc An- Bình Sơn và Khu dân cư tái định cư Bình Sơn; hiện nay Công ty TNHH 1TV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang tiến hành thanh lý cây cao su để bàn giao 358,06 /364,21ha đất trong Quý I/2019; đối với diện tích còn lại do 22 hộ gia đình, cá nhân sử dụng Trung tâm phát triển quỹ đất Tỉnh tiếp tục kiểm đếm thống kê về đất đai, tài sản và cây trồng.

- Đối với khu đất 5.000 ha để xây dựng Cảng hàng không:

+ Đối với hộ gia đình, cá nhân: UBND huyện Long Thành đã ban hành văn bản số 11658/UBND-KT ngày 24/12/2018 về Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, kiểm đếm; đã gửi Thông báo thu hồi đất cho 5.283 hộ/ 15.716 thửa đất/ 30.251.107,4 m2 trên địa bàn 6 xã: Bàu Cạn, Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Suối Trầu (trong đó khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng trước của Dự án (1.165ha) có 274 căn nhà, dự kiến có khoảng 274 hộ phải xem xét bố trí tái định cư); hiện đang triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền và hoàn thiện các điều kiện để tiến hành công tác kiểm đếm đất đai và tài sản của các hộ gia đình, cá nhân. 

+ Đối với các cơ quan, tổ chức (26 cơ quan, tổ chức): UBND tỉnh đã ban hành Thông báo thu hồi đất và tiến hành kiểm kê đối với Công ty TNHH 1TV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (khoản 1800 ha) và các cơ sở tôn giáo, các tổ chức khác. 

III. Dự án đầu tư Xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10902/VPCP-CN ngày 09/11/2018 về việc báo cáo phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, Thông báo số 477/TB-VPCP ngày 26/12/2018 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư, xây dựng Dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình tại CHKQT Tân Sơn Nhất, văn bản số 1856/VPCP-CN ngày 06/03/2019 về việc phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp đồng bộ CHKQT Tân Sơn Nhất.

Ngày 26/3/2019, Bộ Giao thông vận tải có Tờ trình số 2756/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga hàng khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, căn cứ thực tiễn và các quy định đầu tư, nhà ga hành khách T3 sẽ có 04 phương án đầu tư xây dựng như sau:

- Phương án 1: Giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

- Phương án 2: Sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư.

- Phương án 3: Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư.

- Phương án 4: Đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Qua phân tích các phương án nêu trên cho thấy Phương án 1 (giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện Nhà ga hành khách T3) là phù hợp vì ACV có chức năng, nhiệm vụ, năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý khai thác CHK; đảm bảo được tiến độ triển khai, tính đồng bộ trong quản lý khai thác. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – CHKQT Tân Sơn Nhất.

IV. Nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được xác định trong quy hoạch phát triển GTVT đường sắt từ năm 2000. Các chủ trương của Đảng về phát triển đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) cũng đã được đề cập trong Kết luận số 27-KL/TW ngày 17/8/2008 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của BCH TW Đảng Khóa XI. Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 cũng đã khẳng định đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia và cần phải tập trung phát triển nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH.

Liên tục từ năm 2005 đến nay đã có nhiều nghiên cứu, cụ thể như sau:

  • Từ 2005 - 2008: Nghiên cứu của KOICA.
  • Từ năm 2007 - 2010: Nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (liên danh VJC). Nghiên cứu này đã được HĐTĐNN thông qua; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương, tuy nhiên chưa được Quốc hội thông qua.
  • Từ 2011 - 2013: Nghiên cứu của JICA.

* Quá trình, kết quả nghiên cứu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức thuê Liên danh tư vấn trong nước phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía JICA rà soát các nghiên cứu trước đây, tiến hành nghiên cứu, cập nhật bổ sung để hoàn thiện Báo cáo NCTKT Dự án.

Quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT đã tổ chức 04 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) để xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia,… Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã trực tiếp làm việc và thống nhất bằng văn bản với 20/20 địa phương có dự án đi qua về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng. Tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan đối với nội dung Báo cáo NCTKT dự án.

Ngày 24/12/2018, Bộ GTVT đã tổ chức họp thẩm định nội bộ theo quy định của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP (Báo cáo thẩm định nội bộ số 1280/BC-BGTVT ngày 14/02/2019). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Ngày 14/02/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT trình TTgCP báo cáo NCTKT Dự án.

Đến nay, Bộ KH&ĐT đã có Văn bản số 1094/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 25/02/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập HĐTĐNN. Đồng thời, ngày 20/2/2019 Ban Kinh tế Trung ương cũng đã ban hành kế hoạch thẩm định Báo cáo NCTKT dự án (kế hoạch 323-KH/BKTTW) làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư dự án.

Theo kế hoạch dự kiến, dự án sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2019 và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.

Các nội dung của Báo cáo NCTKT đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/02/2019. Trong đó có một số nội dung chính như sau:

- Về sự cần thiết đầu tư:

Hành lang Bắc - Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước (chiếm tới 49% về dân số và 61% về GDP của cả nước). Tuy nhiên, thị phần vận tải trên hành lang này chưa cân đối giữa các phương thức, chi phí logistic cao (gấp 2 lần mức trung bình trên thế giới); tai nạn giao thông và phát sinh khí thải môi trường rất lớn...

Dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai hành lang Bắc - Nam sẽ thiếu hụt lớn về năng lực vận tải, nếu chỉ đầu tư các phương thức (đường bộ, hàng không và đường biển) theo quy hoạch và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, cần phải có một loại hình vận tải mới, sức chuyên chở lớn để bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên.

Đồng thời, với các ưu điểm về năng lực vận chuyển, tốc độ, mức độ an toàn, thân thiện với môi trường; khả năng phát triển bền vững, hài hòa giữa các phương thức vận tải cũng như việc phân bố lại nhu cầu vận tải; khả năng tái cấu trúc đô thị và phân bố lại dân cư, lao động trên hành lang Bắc - Nam, lợi thế trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo cơ hội đầu tư, thúc đẩy các ngành sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, góp phần giải quyết công ăn, việc làm... cho thấy việc phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao Bắc - Nam là phù hợp.

- Địa điểm và quy mô: Điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi đi chung hạ tầng với tuyến ĐSĐT số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh); qua địa bàn 20 tỉnh/TP; chiều dài toàn tuyến khoảng 1559km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi - khổ 1435mm - điện khí hóa; bao gồm: 24 ga và 03 ga quy hoạch tiềm năng, 05 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

- Kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam

Nghiên cứu đã rà soát 06 phương án đầu tư và tổng hợp đề xuất thành 03 kịch bản. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tư vấn đã đề xuất:

+ Đối với đường sắt hiện có: Nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương.

+ Xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h (tốc độ thiết kế 350km/h).

- Lựa chọn công nghệ: (1) Công nghệ đoàn tàu động lực phân tán (EMU). (2) Công nghệ tín hiệu điều khiển sử dụng sóng vô tuyến, phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động.    

- Nhu cầu sử dụng đất: Tổng diện tích đất khoảng: 9.834 ha.

- Nhu cầu về điện năng: Dự kiến đến 2030 là 0,165 Tỷ KWh; năm 2050 là 2,3 tỷ KWh.

- Tổng mức đầu tư: Khoảng 58,71 tỷ USD (suất đầu tư 38 triệu USD/km).

- Phân đoạn và phân kỳ đầu tư: Tư vấn đã nghiên cứu 02 phương án phân kỳ đầu tư (theo chiều dọc và theo chiều ngang), trên cơ sở đánh giá về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan... nghiên cứu đề xuất phân kỳ theo chiều ngang. Theo đó: Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh (dài 295km với TMĐT khoảng 12,022 tỷ USD) và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang (dài 370km với TMĐT khoảng 12,691 tỷ USD). Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang (dài 894km với TMĐT khoảng 33,998 tỷ USD) để nối thông toàn tuyến.

- Hình thức đầu tư: Theo hình thức PPP.

- Phương án huy động vốn và tác động tới nợ công: Dự kiến vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%. Nghiên cứu cũng dự tính với giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 chiếm 0,55% GDP (với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả hai giai đoạn đầu tư).

- Các chỉ tiêu kinh tế, tài chính của dự án:

+ Hiệu quả kinh tế: Khả thi về kinh tế (EIRR=11%; B/C=1,1; NPV=1.829 triệu USD).

+ Hiệu quả tài chính: Nếu tính toán với toàn bộ tổng vốn đầu tư, dự án sẽ không khả thi về mặt tài chính. Nếu chỉ tính với phần vốn huy động từ tư nhân (dự kiến chiếm 20% tổng vốn đầu tư), dự án sẽ khả thi và đạt chỉ tiêu FIRR=11,7% trên dòng tiền tổng vốn chủ sở hữu và vốn vay; đạt FIRR = 18,5% trên dòng tiền của riêng vốn chủ sở hữu.

- Mô hình quản lý khai thác: Đề xuất thành lập: Công ty Đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao và Công ty Vận tải đường sắt tốc độ cao. Công ty Vận tải sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng.

- Phát triển nguồn nhân lực: Tư vấn kiến nghị xem xét thành lập Viện nghiên cứu đường sắt tốc độ cao (trên cơ sở các Viện, cơ sở đào tạo hiện có hoặc thành lập mới) để kết hợp các đơn vị trong và ngoài nước đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt hiện có.

- Phát triển công nghiệp đường sắt: Cần sớm phát triển công nghiệp đường sắt nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và từng bước nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp đường sắt.

 

 
   

 

 

 

Bộ Giao thông vận tải

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2019

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)