Thông tin báo chí về việc triển khai Gói thầu CV- A2.9 - NDTDP: cầu qua kênh nối Đáy - Ninh Cơ - Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) - Hạng mục bổ sung vốn

Thứ năm, 19/11/2020 07:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Về việc triển khai Gói thầu CV- A2.9 - NDTDP: cầu qua kênh nối Đáy - Ninh Cơ - Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) - Hạng mục bổ sung vốn.

-------------------------------------------------

Ngày 19/11/2020, tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức triển khai Gói thầu CV-A2.9-NDTDP: cầu qua kênh nối Đáy Ninh Cơ - Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc Hạng mục bổ sung vốn, Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới – WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (Dự án WB6).

Gói thầu CV-A2.9-NDTDP: cầu qua kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một trong những gói thầu xây lắp chính chính thuộc Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ. Gói thầu do Liên danh Tổng công ty Thăng Long CTCP - Công ty cổ phần Xây dựng công trình Trường Lộc - Công ty Cổ phần đầu tư và xây lắp công trình 575 thi công với giá trúng thầu: 184.210.560.771 đồng (đã bao gồm các loại thuế và các khoản dự phòng); thời gian thực hiện hợp đồng là 445 ngày.

Trong thời gian qua, để giúp Bộ GTVT khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa, WB đã quan tâm nghiên cứu và cung cấp vốn ODA để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính yếu của Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Dự án WB6 có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, hoàn thành vào cuối năm 2016 đã góp phần cơ bản nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính yếu của Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, khi cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang thuộc Dự án WB6 được hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2016 đã chấm dứt được tình trạng diễn biến phức tạp của cửa sông này như thường xuyên thay đổi, bồi đắp luồng tàu qua cửa sông; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tàu có trọng tải đến 2.000 tấn đầy tải, tàu 3.000 tấn giảm tải có thể hành thủy qua cửa sông Ninh Cơ dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào. Ngoài việc phục vụ vận tải đường thủy, cụm công trình này còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu đánh bắt của ngư dân hoạt động an toàn, giúp cho người dân yên tâm bám biển; góp phần ổn định bờ biển tại cửa sông Ninh Cơ.

Tuy nhiên, việc cải tạo cửa Lạch Giang chỉ có thể phát huy được hết hiệu quả khi kênh nối Đáy - Ninh Cơ được hoàn thành để giúp cho tàu có trọng tải đến 3.000 tấn có thể đi sâu vào đất liền, vào cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc. Trên cơ sở đó, WB và Chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định bổ sung vốn ODA để thực hiện cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng mức đầu tư 110 triệu USD. Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã Quyết định số 3961/QĐ-BGTVT ngày 9/12/2016; Quyết định số 2329/QĐ-BGTVT ngày 13/12/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh đầu tư Dự án WB6 để bổ sung hạng mục đầu tư; bổ sung vốn và điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án với thời gian bắt đầu: năm 2008; thời gian kết thúc: 6/2022

Công trình sẽ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án Đường thủy; tổ chức tư vấn lập dự án là Liên danh tư vấn Royal Haskoning (Hà Lan) - SMEC (Úc) - Trung tâm VAPO (thuộc Hội cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam); Nhà thầu tư vấn giám sát thi công hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ là Liên danh Compagnie National du Rhone - CNR (Pháp) - Egis Structure & Environment (Pháp) và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thương mại VIPO (Việt Nam).

Các hạng mục đầu tư chính thuộc Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ gồm:

- Kênh nối Đáy – Ninh Cơ và âu tàu: Cho tàu trọng tải đến 3.000 DWT

- Âu tàu: Kích thước (dài x rộng x cao): 179 x 17 x 10,5 m, kết cấu bê tông cốt thép hình chữ  U đặt trên nền cọc ống bê tông cốt thép ứng suất trước D800, cao độ đỉnh âu: phía sông Đáy +4,5 m; phía sông Ninh Cơ +3,5 m, cao độ đáy âu -7,0 m.

- Kênh dẫn vào âu: Phía sông Đáy: bề rộng kênh: 90,0 m, cao trình đáy kênh - 6,30m; Phía sông Ninh Cơ: bề rộng kênh: 100,0 m, cao trình đáy kênh -6,70 m.

- Kè bảo vệ bờ: Chiều dài kè: 2.735 m, kết cấu là block kết họp đá đổ.

- Đê phòng lũ: Chiều rộng đỉnh đê: 9,0 m.

Địa điểm xây dựng công trình: Xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn -  huyện Nghĩa Hưng – tỉnh Nam Định; diện tích sử dụng đất: 35 ha.

Khi hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2022, Dự án WB6 sẽ góp phần hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển tổng thể khu vực đồng bằng Bắc Bộ thông qua việc giảm chi phí vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ hoặc xuất khẩu thông qua việc cải tạo hệ thống đường thủy nội địa và đường bộ kết nối (tỉnh lộ); nâng cao hiệu quả các dịch vụ tiếp vận cho vận tải đa phương thức; hỗ trợ năng lực và công cụ quản lý cho các cơ quan quản lý đường thủy nội địa, Sở GTVT (Giao thông công chính) các tỉnh, thành phố để có thể thực hiện hiệu quả trách nhiệm nêu trong Luật đường thuỷ nội địa năm 2004.

Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án WB6 còn thể hiện quyết tâm cao của Bộ GTVT để thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây cũng là hành động thiết thực của ngành GTVT để chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 75 năm thành lập ngành GTVT (28/8/1954 – 28/8/2020), đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực có dự án đi qua nói riêng và của đất nước nói chung./.

 

Bộ Giao thông vận tải

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2020

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)