Quốc tế đánh giá cao quá trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam

Thứ ba, 17/04/2012 07:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với những kết quả ấn tượng đã đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính, đoàn Việt Nam đã nhận được sự đánh giá tích cực và vì thế Việt Nam là một trong 3 nước châu Á được OECD mời tham dự hội nghị lần này.

Đoàn Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ, do ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Cục trưởng dẫn đầu tham dự Hội nghị về cải cách thể chế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức diễn ra trong các ngày 11-13/4 tại thủ đô Paris của Pháp.

Ông Nguyễn Văn Lâm đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, nêu bật những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện cải cách thể chế và cải cách hành chính trong những năm qua và dự án cải cách hành chính trong thời gian tới nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
 
Trong khuôn khổ Hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm việc với ông Nick Malyshev, Trưởng Ban Cải cách thể chế của OECD ; ông Charles Henry, chuyên gia cao cấp về thể chế Pháp; ông Park Jarry – Ho Cục Trưởng cục cải cách thể chế Hàn Quốc… Qua các buổi làm việc và tiếp xúc, bạn bè quốc tế đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong quá trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính và cam kết sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong quá trình này. Đặc biệt, Ban Cải cách thể chế của OECD đã bày tỏ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam về đào tạo kỹ thuật, nhân lực và trao đổi kinh nghiệm cụ thể trong cải cách hành chính. OECD đánh giá công cuộc cải cách hành chính của Việt Nam, nhất là đợt cải cách thủ tục hành chính từ năm 2007 cho đến nay.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách thể chế coi đây là một trong ba đột phá chiến lược nhằm đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới, với đối tượng là các nhóm thủ tục ưu tiên lựa chọn dựa trên cơ sở lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp, nhằm tiếp tục gỡ bỏ những rào cản đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên lề hội nghị, đoàn Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Việt Nam đã có buổi làm việc với các cơ quan đại diện báo chí Việt Nam tại Pháp, với sự tham dự của ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương vụ Đại sứ quan Việt Nam tại Pháp. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của OECD, đặc biệt từ khi Việt Nam triển khai giai đoạn hai của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. OECD đưa ra nhiều khuyến nghị mang tính chất xây dựng giúp Việt Nam đẩy mạnh tiến trình này.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về mục đích của đoàn và những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này, ông Nguyên Văn Lâm nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao và học hỏi những kinh nghiệm và phương pháp thực hiện của một số nước phát triển áp dụng trong lĩnh vực cải cách thể chế và hành chính. Theo ông, nhận thức được vai trò quan trọng của công cuộc cải cách hành chính đối với sự phát triển kinh tế xã hội, từ cuối năm 2007, chính phủ đã xây dựng và triển khai Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính.

Sau gần 3 năm tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thủ tục hành chính, từ giữa năm 2010, Chính phủ đã chuyển sang giai đoạn thực thi cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi một số văn bản pháp luật nhằm đơn giản hóa 4.800 trên tổng số 5.700 thủ tục hành chính. Ngày 6/1/2011, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, trực thuộc Văn phòng Chính phủ, với chức năng kiểm soát các thủ tục hành chính và tổ chức thực thi 25 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính được thành lập. Sau hơn 1 năm triển khai, hơn 3.000 thủ tục, chiếm 68% thủ tục hành chính được cải tiến và đơn giản hóa. Một hệ thống các thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương được thành lập với 600 cán bộ làm việc chuyên trách và 12.000 cán bộ làm việc bán chuyên trách tại 24 bộ, ngành, 63 địa phương, 1.200 sở ngành cấp tỉnh, 700 đơn vị cấp huyện và trên 10.000 đơn vị cấp xã.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, với những kết quả ấn tượng đã đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính, đoàn Việt Nam đã nhận được sự đánh giá tích cực và vì thế Việt Nam là một trong 3 nước châu Á được OECD mời tham dự hội nghị lần này.

Với nhan đề: “Chính sách tốt hơn cho cuộc sống tươi đẹp hơn”, hội nghị lần này của OECD đã thu hút sự tham gia của 35 nước thành viên và một số nước quan sát viên, trong đó có Việt Nam, Malaixia và Tuynidi./.


TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)