Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; bảo đảm mọi đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đều được xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, ngày 19/12/2016, Sở Giao thông vận tải đã ban hành Công văn số 4552/SGTVT - VP yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tốt các công tác sau:
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35/CT- TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân; các Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm cách mạng đối với nhân dân; mọi đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị phải được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật; xem kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, cấp đổi Giấy phép lái xe, đầu tư xây dựng cơ bản.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên. Quan tâm củng cố, kiện toàn cán bộ tiếp công dân, tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp. Cán bộ tiếp công dân phải am hiểu chính sách, pháp luật, phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải kiểm tra toàn diện, xem xét, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế vụ việc, chia sẻ, đặt mình vào vị trí của người dân để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, khả thi.
Chủ động kiểm tra, rà soát các vụ việc phức tạp, kéo dài và những vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người để kịp thời giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý, giải quyết nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, nhất là trước và trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương.
Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, tuyên truyền, vận động với phương châm: “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, phát huy vai trò hỗ trợ pháp lý để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và hiểu biết pháp luật của người dân.
Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận để người dân đồng tình ủng hộ.