Phải đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC

Thứ ba, 18/08/2009 07:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành, địa phương sau khi kết thúc giai đoạn rà soát - giai đoạn 2 của Đề án 30, phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính (TTHC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành, địa phương sau khi kết thúc giai đoạn rà soát - giai đoạn 2 của Đề án 30, phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính (TTHC).
 
Đề án 30 còn góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhờ việc xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài
 
Theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo trên của Thủ tướng thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. "Chưa có chương trình cải cách thủ tục hành chính nào được Thủ tướng giao rõ các chỉ tiêu cụ thể trong suốt quá trình triển khai như đối với Đề án 30", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
 
Để kịp thời rút kinh nghiệm giai đoạn 1 và tổ chức tốt giai đoạn 2 của Đề án 30, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tiến hành sơ kết giai đoạn 1 ngay trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9/2009, có hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân thực hiện tốt giai đoạn này.
 
100% các Bộ, ngành hoàn thành thống kê  bộ TTHC
 
Hiện nay, 100% các Bộ, ngành đã hoàn thành việc thống kê và công bố bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trước 15/8/2009), chỉ có một vài Bộ chưa tổ chức công bố trong khoảng thời gian này vì một số lý do khách quan, ông Ngô Hải Phan cho biết.
 
Tiến độ này đối với các địa phương là trước 30/8/2009, tuy nhiên đến nay (17/8), đã có 58 tỉnh, thành phố hoàn thành công bố bộ TTHC cấp huyện, cấp xã; các địa phương còn lại cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ Thủ tướng giao. Trên cơ sở ý kiến nhận xét của Tổ công tác chuyên trách và kết quả công bố của Bộ, ngành, hiện các địa phương đang nỗ lực tiến hành rà soát lại lần cuối trước khi ban hành bộ TTHC tại các Sở, ngành của địa phương, công việc này cũng sẽ hoàn thành trước 20/8/2009.
 
Đánh giá về kết quả thống kê TTHC, ông Ngô Hải Phan cho biết, thực trạng cho thấy hiện còn nhiều quy định về TTHC chưa hoàn thiện, cụ thể là nhiều quy định còn chưa rõ về cách thức cũng như trình tự thực hiện TTHC, thiếu quy định về thời hạn thực hiện, thậm chí có TTHC còn chưa xác định rõ được cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện, tương tự, mẫu đơn, mẫu tờ khai cũng chưa rõ ràng,...
 
Để tháo gỡ thực trạng trên theo hướng đơn giản hóa, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều quy định về TTHC phân cấp chưa phù hợp sẽ được xem xét để phân xuống cấp dưới thực hiện, hoặc thay thế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
 
Dẫn chứng cụ thể về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cho biết, sau khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vào địa giới hành chính của thành phố Hà Nội, vấn đề đổi chứng minh thư của nhân dân thủ đô được đặt ra. Việc Thủ tướng đã quyết định người dân được tiếp tục sử dụng chứng minh thư đã cấp đến hết thời hạn theo quy định, đã giúp hàng triệu người dân không phải thực hiện các TTHC cũng như đóng lệ phí hành chính làm chứng minh thư nhân dân, góp phần tiết kiệm được từ 12-14 tỷ đồng cho nhân dân. Đây là một minh chứng cụ thể cho thấy hiệu quả của việc triển khai Đề án 30 góp phần quan trọng "tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đồng thời tiết kiệm được chi phí xã hội" như nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh.
Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)