Nông thôn đổi mới từ những cây cầu dân sinh

Thứ hai, 03/08/2020 14:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Không còn cảnh lội qua lòng suối, gồng mình đi qua cầu tre, cầu gỗ lỏng lẻo được bắc tạm bợ, những chiếc cầu dân sinh bằng bê tông vững chắc được xây dựng tại nhiều vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã giúp người dân đi lại an toàn, bộ mặt nông thôn đổi mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cầu Bến Đình sẽ được đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm nay.

Từ năm 2017 đến nay, Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được triển khai và đã đưa nhiều công trình cầu dân sinh vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo giao thông ở các vùng khó khăn.

Nối những bờ vui

Sơn Hội là xã vùng cao với địa hình nhiều đồi núi, sông suối. Những dòng suối thường ngày nước chỉ đến mắt cá chân bỗng trở thành hung dữ sau mỗi trận mưa lũ. Những lúc như vậy, trẻ em không thể đến trường, người lớn không thể đi làm, giao thông bị chia cắt hoàn toàn làm đảo lộn cuộc sống của bà con. Người dân ở thôn Tân Thuận, xã Sơn Hội đã phải tìm cách khắc phục, làm cây cầu tạm bằng gỗ để qua suối. Nhưng mỗi khi mưa xuống, những đợt lũ bất thình lình đổ về dâng cao và chảy xiết, cuốn phăng chiếc cầu tạm trong sự bất lực của mọi người. Bà Trần Thị Tuyết cho biết: “Tui sống ở đây hơn 40 năm. Mỗi khi trời mưa lớn, nước suối dâng cao, khu vực này gần như bị chia cắt. Ai ai cũng mong mỏi có được một cây cầu qua suối chắc chắn để cuộc sống giảm bớt khó khăn”.

Niềm mong đợi của nhân dân xã Sơn Hội được trở thành hiện thực khi Dự án LRAMP được triển khai trên địa bàn tỉnh. Một cây cầu bắc qua suối bằng bê tông cốt thép gồm hai nhịp, dài 16m hoàn thành trước sự vui mừng của hàng trăm hộ dân. Theo UBND xã Sơn Hội, từ khi có cây cầu, cuộc sống của người dân trong xã dần ổn định.

Tại xã Hòa Mỹ Đông, một trong những “rốn lũ” của huyện Tây Hòa, cầu Bến Đình đang được hình thành. Con sông nằm cạnh di tích Chùa Hương bình thường vốn dĩ hiền hòa là vậy nhưng mỗi khi nước lũ về lại là nỗi ám ảnh của người dân. Đa số bà con nơi đây canh tác, trồng trọt tại khu vực núi Hương ở bên kia sông. Hàng ngày, muốn qua bên kia sông, mọi người thường dùng ghe, xuồng hoặc đi đường vòng xa khoảng 3km. Hầu như năm nào cũng có người chết vì đi ghe qua sông khi gặp dòng nước chảy xiết.

Theo ông Nguyễn Khoa Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Đông, từ khi cầu được đầu tư xây dựng, chính quyền và nhân dân ở đây đều vui mừng. Cầu bê tông vững chắc sẽ đảm bảo việc đi lại, vận chuyển mía, sắn, lúa của người dân. Công trình cũng tạo liên kết giữa các xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Mỹ Tây, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.

Đồng lòng hiến đất xây cầu

Mong muốn người dân trong thôn được đi lại thuận tiện nên gia đình ông Nguyễn Minh Đặng, thôn Mỹ Cảnh, xã Hòa Thịnh không tính toán thiệt hơn, đã tự nguyện hiến khoảng 1.000m2 đất để xây dựng cầu Kênh Nam bắc qua suối nối liền hai thôn Mỹ Cảnh và Mỹ Lâm. Hơn 60 năm sống ở đây nên ông thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của bà con mỗi khi đi lại qua suối.

Ông Đặng chia sẻ: “Mùa nước cạn, bà con có thể lội bộ qua suối nhưng mùa mưa thì gần như bị cô lập hai bên. Bờ tràn cũ thì chỉ đi được xe máy, mưa xuống là ngập nước, đi lại rất nguy hiểm. Nay Nhà nước cho xây dựng cầu vững chắc thì mừng quá. Tất cả vì lợi ích chung, vậy nên tôi sẵn sàng tự nguyện hiến đất để xây cầu. Nghĩ đến cảnh mai này, khi cầu hoàn thành, bọn trẻ đi học không phải lội suối nữa, tôi cảm thấy ấm lòng”.

Khi được hỏi sau khi hiến hết phần đất dùng để trồng mía, trồng sắn, nguồn thu nhập chính bao nhiêu năm qua đã mất thì gia đình sẽ làm gì để sống, ông Đặng cười hiền bảo rằng: “Tôi giờ đã 60 tuổi, con cái cũng đã tự lo được cho bản thân nên hiến hết phần đất đó cũng không sao. Vợ chồng già tôi sống đơn giản lắm, không chi tiêu bao nhiêu”.

Xuất phát từ tấm lòng chân chất của người nông dân cả đời lam lũ, không tính toán thiệt hơn, việc hiến đất làm cầu không còn quá xa lạ với người dân tại các khu vực công trình cầu dân sinh đi qua. Với mong muốn góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, gia đình bà Tô Thị Nữ, thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông cũng đã hiến khoảng 70m2 đất để xây cầu Bến Đình. Không chỉ hiến đất, gia đình bà còn tự nguyện phá dỡ các công trình phía sau nhà tạo thuận lợi cho đơn vị thi công.

Bà Nữ cho biết: “Nhà tôi sát bên sông nên chứng kiến đủ các tai nạn của người dân khi qua lại vào mùa mưa lũ. Với người nông dân thì đất đai là tài sản quý giá nhất nhưng khi nghe cầu được xây, tôi tình nguyện hiến đất. Cứ công trình thi công ảnh hưởng đến đâu, tôi tạo điều kiện cho nhà thầu làm đến phần đất đó mà không cần phải hỗ trợ hay đền bù. Hy vọng từ đây, bà con sẽ đi lại thuận tiện, không còn nguy hiểm rình rập như trước”.

Việc làm ý nghĩa của ông Đặng, bà Nữ đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, khiến nhiều người nể phục. Ông Trần Văn Sang, một người dân ở xã Hòa Thịnh, cho biết: “Ở đây ai cũng khâm phục các gia đình đã hiến đất xây cầu dân sinh. Từ nay, bà con có thể đi lại trên cầu vững chắc, xe tải có thể chạy bon bon trên cầu. Việc trồng trọt, vận chuyển nông sản của bà con sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Nỗ lực không ngừng

Điều đặc biệt của Dự án LRAMP là các cây cầu được xây dựng tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, nơi bất lợi về giao thông. Điều kiện sinh hoạt, làm việc của cán bộ, công nhân khảo sát, thi công cầu rất vất vả. Tiến độ công trình cũng thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão, nước suối dâng cao. Các nhà thầu phải triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca kíp để sớm hoàn thiện các cây cầu, đảm bảo chất lượng.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình cầu Bến Đình và cầu Kênh Nam thuộc huyện Tây Hòa. Ông Phạm Trung Phát, Công ty CP Xây dựng công trình Châu Long, người trực tiếp điều hành thi công công trình cầu Bến Đình và cầu Kênh Nam, cho biết: Ngay từ khi triển khai dự án, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, khẩn trương thi công cầu. Đến nay, hai công trình cầu dân sinh này đã hoàn thành phần hạ bộ, mặt cầu. Nhà thầu đang tập trung thi công đường dẫn hai bên cũng như hệ thống an toàn giao thông. Các công trình sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, đa số các cây cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP đều hoàn thành vượt tiến độ từ 2-3 tháng. Ông Đoàn Ngọc Tuy (Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên), người trực tiếp quản lý Dự án LRAMP, cho biết: Mục đích chính của dự án là hoàn thiện hệ thống giao thông, nâng cao đời sống của người dân ở các khu vực khó khăn. Một trong những thành công của dự án chính là sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương. Trong số 32 cầu, cống đã thực hiện thì có tới 31 công trình được người dân tình nguyện hiến đất để triển khai. Mọi khó khăn về mặt bằng đều được khắc phục. Kinh phí thực hiện cũng giảm đi đáng kể, nhờ đó số lượng cầu được xây dựng nhiều hơn.

hoavt

Nguồn: Báo Phú Yên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)