Giao thông thông minh giải quyết nạn kẹt xe của các thành phố

Thứ ba, 28/02/2017 08:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kẹt xe, tắc nghẽn giao thông đã và đang trở nên trầm trọng tại 2 thành phố lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội, vấn nạn này gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cả về mặt vật chất và tinh thần cho xã hội. Do đó, việc tìm ra một giải pháp tối ưu nhằm giảm giảm ùn tắc giao thông đang là vấn đề rất được quan tâm.

Là một công dân từng sống tại Thủ đô Hà Nội, tâm huyết với phương án nhằm giải quyết nạn kẹt xe của Thành phố, ông Lê Việt Thanh, nguyên Giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TPHCM, hiện là Chủ tịch Công ty TNHH TM-SX Lê Công Kiều thuộc Tập đoàn LCK đã đưa ra đề án giao thông thông minh giải quyết tình trạng kẹt xe tại TP. Hà Nội. Theo ông Thanh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc, đó là cơ sở hạ tầng lạc hậu; hệ thống điều hành giao thông không hợp lý; ý thức người tham gia giao thông còn kém.

Một trong những ý tưởng giảm nạn kẹt xe mà ông Thanh đề xuất đó là tổ chức lại hệ thống điều hành giao thông sao cho triệt tiêu sự giao cắt của các luồng xe (theo đó dành 1 làn đường sát bên phải riêng cho luồng xe rẽ phải mà không cần phân biệt xe máy hay ô tô). Tuy vậy khả năng thông xe của các ngã tư sẽ không mang lại tác dụng đột phá nếu thiếu đi sự phối hợp đồng bộ của đèn giao thông thông minh. “Do đó chúng ta cần phải đồng bộ hóa hệ thống đèn tín hiệu giao thông”, ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng cho rằng để hạn chế hành vi vi phạm giao thông của người tham gia giao thông cần phạt thật nặng lỗi vượt đèn đỏ,… khi luật nghiêm thì sau một thời gian ngắn người tham gia giao thông sẽ có ý thức chấp hành luật. Như vậy sẽ giảm được nguyên nhân khởi phát của phần lớn các vụ kẹt xe hiện nay…

Giao thông thông minh

Ảnh minh họa

“Bên cạnh đó, cần xem lại các nút giao thông để bố trí hợp lý hơn; nghiên cứu quy hoạch giao thông trước, ưu tiên phát triển những đường trục chính để nâng cao năng lực thông xe của hệ thống giao thông nội thành”, ông Thanh cho biết.

Về góc độ Quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trước hết cần nhận thức được thực trạng không gian đô thị của Hà Nội với các đô thị khác trên thế giới, đặc biệt về giao thông tại Việt Nam cũng có sự khác biệt nhiều so với giao thông thế giới.

Riêng Hà Nội, đã có nhiều lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, do đó đặt việc quy hoạch giao thông cũng luôn luôn điều chỉnh về cơ chế chính sách và chủ trương. Đồng thời, quy hoạch giao thông cũng bị áp lực về quy hoạch không gian trên mặt đất và cơ cấu dân số. Chính vì vậy, ông Nghiêm cho rằng, cần phải phân luồng giao thông nhưng cần xem xét mức độ để phù hợp với sự phân bố mật độ dân cư hiện nay. Bên cạnh đó, nên làm rõ những tồn tại về cơ chế và chính sách phương tiện tham gia giao thông….

PGS.TS Đỗ Quốc Cường, giảng viên bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc quản lý giao thông trong thành phố là việc chúng ta sử dụng một loạt các giải pháp để tác động vào giao thông nhằm mang lại sự tối ưu giữa nhu cầu tham gia giao thông và khả năng đáp ứng của hạ tầng đường bộ. Trong các nhóm giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, ông Cường cho rằng có 3 nhóm giải pháp chính đó là giãn mật độ, giãn dân số; sử dụng luân phiên về giao thông như luân phiên về thời gian (thay đổi thời gian đi làm, đi học, thời gian xe chạy trên một tuyến…) và luân phiên về không gian. Cuối cùng là tập trung vào tổ chức giao thông đô thị, trong đó đề cao vấn đề giải quyết giao thông tại các nút giao thông vì đây là đầu mối cực kỳ quan trọng, nếu “cởi bỏ” được sẽ giải quyết được phần nào ách tắc giao thông.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, để giải quyết tình trạng kẹt xe tại Hà Nội, vừa qua Sở đã phát động cuộc thi ý tưởng tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Theo đó, tính đến thời điểm này đã có khoảng 121 ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi về Sở.

Theo ông Viện, để tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông trước tiên cần đánh giá được thực trạng của giao thông đô thị hiện nay ở Hà Nội, qua đó đưa ra được phương án tổ chức giao thông. Đồng thời, cần tổng kết được những mô hình phát triển giao thông của thế giới như Singapore, Hàn Quốc,… xem xét những gì phù hợp với điều kiện đô thị Hà Nội, từ đó có những dự báo cho tương lai.

“Chẳng hạn như đường Vành đai 3, trước đây chỉ là một đường vành đai, chưa phải là đường vành đai trung tâm nhưng từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì nó đã trở thành tuyến đường trung tâm kết nối các khu vực, khiến mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng. Do đó cuộc thi mà Sở phát động yêu cầu quan tâm đến vấn đề giải pháp giao thông lâu dài”, ông Viện nhấn mạnh.

Cũng theo ông Viện, ngoài 3 nguyên nhân khiến giao thông bị ùn tắc còn có nguyên nhân đó là tính giao thông công cộng chưa hiệu quả. “Hiện giao thông công cộng mới đáp ứng được trên 10% nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên giao thông công cộng hiện đại đòi hỏi phải chiếm đến 20-30% nhu cầu đi lại. Như vậy, trước mắt chúng ta cũng cần phải nâng cao và phát triển được giao thông công cộng”, ông Viện nói.

Về giải pháp cho giảm ùn tắc giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện đồng tình với phương án phân luồng, nút giao thông như tại nút giao thông Giang Văn Minh – Kim Mã, khi cho xe quay đầu phía trên không quay tại nút giao thông đó nữa thì ùn tắc đã giảm hơn. Tuy nhiên, ông Viện cho rằng vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là về nhịp đèn hay phương án tạo “làn sóng xanh”…

xuannguyen

Nguồn: Chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)