Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-BNV quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Nội dung đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công về bồi dưỡng CBCCVC gồm:
Chương trình, tài liệu; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ...
Thông tư quy định, nội dung đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm: Chương trình, tài liệu; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ; khóa bồi dưỡng; hiệu quả bồi dưỡng.
Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư, gồm 6 nhóm tiêu chí sau:
1- Nhóm tiêu chí đánh giá về chương trình, tài liệu bồi dưỡng.
2- Nhóm tiêu chí đánh giá về học viên.
3- Nhóm tiêu chí đánh giá về giảng viên.
4- Nhóm tiêu chí đánh giá về cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ.
5- Nhóm tiêu chí đánh giá về khóa bồi dưỡng.
6- Nhóm tiêu chí đánh giá về hiệu quả bồi dưỡng.
Đánh giá, nghiệm thu chất lượng dịch vụ về bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức
Bên cạnh đó, Thông tư nêu rõ, việc đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đánh giá theo phương thức chấm điểm, thang điểm 100.
Cụ thể, chất lượng dịch vụ được đánh giá theo các mức:
- Tốt: Tổng điểm đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm.
- Đạt: Tổng điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm.
- Không đạt: Tổng điểm dưới 50 điểm.
Khi chất lượng dịch vụ được đánh giá từ mức đạt trở lên, sẽ được nghiệm thu, thanh toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật.
Chất lượng dịch vụ được đánh giá ở mức tốt là một trong các căn cứ để cơ quan đặt hàng xem xét, ưu tiên lựa chọn đơn vị cung ứng khi triển khai các dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan đặt hàng trình cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ để xác định mức độ đạt được làm cơ sở thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng và thanh toán dịch vụ.
Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ có số thành viên là số lẻ và có ít nhất 05 thành viên bao gồm: Chủ tịch là người đứng đầu cơ quan đặt hàng; 01 Phó Chủ tịch là cấp phó của người đứng đầu cơ quan đặt hàng; các thành viên là đại diện các đơn vị liên quan và chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; 01 thư ký Hội đồng.
Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận thống nhất. Kết quả khảo sát thu được từ các phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có) là cơ sở để Hội đồng xem xét đánh giá chất lượng dịch vụ.
Đơn vị cung ứng lập, quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về tạm ứng, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2023.
P.V