Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh được thành lập từ tháng 12/1977, tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật trực thuộc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.
Trường Cao đẳng GTVT TP Hồ Chí Minh được thành lập từ tháng 12/1977, tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật trực thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.
Qua 35 năm thành lập, Trường Cao đẳng GTVT TP Hồ Chí Minh đã phát triển không ngừng và hiện đang quản lý và sử dụng 3 cơ sở đào tạo. Cơ sở 1 của trường, tại 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM với các công trình xây dựng và trang thiết bị hiện đại. Có 20 phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Số phòng học và giảng đường trên 20 phòng trang bị khá đầy đủ cho giảng dạy và học tập. Một hội trường 350 chỗ ngồi, 4 phòng thực tập vi tính được trang bị trên 200 máy phục vụ việc học tập và sử dụng tra cứu internet cho học viên. Thư viện với hệ thống cổng thư viện điện tử (iPortLib) phục vụ công tác quản lý đọc giả.
Cơ sở 2 của trường tại số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 TP Hồ Chí Minh, được trang bị khá đầy đủ trang thiết bị cho giảng dạy và học tập. Phòng thí nghiệm động cơ diesel, phòng thí nghiệm kiểm định chất lượng công trình giao thông với các trang thiết bị kiểm tra chất lượng bê tông nhựa, kiểm tra chất lượng bê tông cốt thép, kiểm tra mặt đường, nền đường. Xưởng thực tập tháo lắp, sửa chữa ô tô với diện tích 1.200m² đủ các trang thiết bị thực tập. Một trung tâm khảo thí lái xe tự động với diện tích trên 35.000m² phục vụ công tác đào tạo lái xe và sát hạch lái xe tự động.
Ngoài ra, trường còn có một bến tàu thủy nội địa trên sông Sài Gòn, đặt tại khu Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, với 3 tàu thực tập, 1 tàu 400 tấn dùng cho việc giảng dạy thuyền máy trưởng tàu sông các hạng. Cơ sở 3 của trường tại số 256 Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 TP Hồ Chí Minh, được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 58 tỷ đồng. Cơ sở 3 đã chính thức đưa vào sử dụng phục vụ từ đầu năm học 2011 - 2012.
Trường đã thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; loại hình đào tạo; mở rộng địa bàn đào tạo như: Hoàn tất hồ sơ xin cấp lại giấy phép đào tạo lái xe và được Tổng cục đường bộ cấp phép nâng lưu lượng lên 1.164 học viên. Ký hợp đồng nguyên tắc với Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh về việc đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học. Ngoài ra trường còn tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn như: tiếp viên xe buýt, đạo đức người lái xe, đào tạo đội ngũ thuyền máy trưởng tàu sông các hạng 1, 2, 3; tàu cao tốc, chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa, tổ chức sát hạch lái xe mô tô và ô tô, đào tạo các lớp chuyên môn nâng bậc thợ…
Trường tổ chức thường xuyên các buổi họp giữa HS-SV, giữa ban giám hiệu với giáo viên chủ nhiệm, giữa phòng công tác HS-SV với ban cán sự các lớp để nắm bắt kịp thời các phản ánh của HS-SV đối với quá trình tổ chức giảng dạy, sinh hoạt của HS-SV, các vướng mắc hay những khó khăn, cũng như truyền đạt những chủ trương, các chế độ chính sách liên quan đến học tập đối với HS-SV. Từ đó nâng cao vai trò nhận thức trong học sinh của trường yêu nghề, đoàn kết hăng say học tập, đạt kết quả tốt nghiệp 98%. Với tất cả những thành tích này Trường Cao đẳng GTVT TP Hồ Chí Minh đã được nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Theo SGGP