Sáng 25/8, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng phó cấp cứu sau tai nạn giao thông – Vai trò cấp cứu ban đầu” nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu đối với tai nạn giao thông và chất lượng đào tạo cấp cứu chấn thương hiện nay.
Tới dự và chủ trì hội thảo có Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức; Bà Đào Thị Thanh Tâm, Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cấp cứu chấn thương và đào tạo cấp cứu chấn thương của các cơ sở Y tế, các trường Đại học.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Ủy ban ATGT Quốc gia luôn đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề sơ cấp cứu đối với nạn nhân tai nạn giao thông. Hi vọng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sơ cấp cứu, Hội thảo sẽ đưa ra được những sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sơ cấp cứu nạn nhân, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao sự nỗ lực của Tiểu ban Ứng phó sau tai nạn giao thông trong Diễn đàn An toàn giao thông Việt Nam, tuy Hội thảo có khoảng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để bàn, đủ để nói, để gửi thông điệp đến người dân, cộng đồng; đồng thời qua Hội thảo, UBATGT Quốc gia sẽ tiếp thu và có chỉ đạo cho địa phương trong việc quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan chức năng, cơ sở y tế trong công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt, Trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “Giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn là do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng hoặc đường thở bị tắc hay mất nhiều máu, tất cả nhưng vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ cấp cứu. Số liệu thống kê về công tác sơ cấp cứu của Cộng đồng Châu Âu cho thấy tỉ lệ tử vong có thể giảm từ 15%-20% nếu công tác sơ cấp cứu được làm đúng và kịp thời.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính trình bày tình hình bệnh nhân tử vong và nặng
về liên quan tai nạn giao thông tại bệnh viện Việt Đức năm 2014
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Phó Trưởng phòng chăm sóc sức khỏe cán bộ, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế trình bày: “Tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam”; ông Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, bệnh viện Việt Đức trình bày: “Tình hình bệnh nhân tử vong và nặng về liên quan tai nạn giao thông tại bệnh viện Việt Đức năm 2014”; ông Phạm Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế giao thông vận tải trình bày: “ Công tác đào tạo sơ cấp cứu tai nạn giao thông góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng”; bà Đào Thị Thanh Tâm, Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ trình bày: “Báo cáo tham luận Hội chữ thập đỏ Việt Nam với công tác sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cấp cứu chấn thương và đào tạo cấp cứu chấn thương của các cơ sở Y tế, các trường Đại học cũng trình bày trước Hội thảo những vấn đề liên quan đến tăng cường đào tạo cấp cứu chấn thương ban đầu như: Hệ thống ghi nhận chấn thương; Đào tạo cấp cứu chấn thương ban đầu tại Việt Nam; Vai trò giáo dục truyền thông phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn giao thông tại bệnh viện.
Bà Đào Thị Thanh Tâm trình bày báo cáo tham luận về
Hội chữ thập đỏ Việt Nam với công tác sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng
Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh viện Việt Đức hàng năm tiếp nhận trên 35.000 trường hợp tai nạn thương tích đến cấp cứu, trong đó có trên 15.000 trường hợp tai nạn giao thông. Do việc cấp cứu không đúng cách của tuyến trước hay còn gọi là cấp cứu trước viện không đảm bảo dẫn đến nhiều trường hợp có biến chứng hoặc tử vong trước khi đến bệnh viện.
“Việc nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu bao gồm nâng cấp cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị, tổ chức phối hợp các nguồn lực từ cộng đồng cùng các cơ sở y tế bao gồm cấp cứu 115…, trong đó, việc đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng cho người làm cấp cứu ban đầu cần được quan tâm. Do vậy, Hội thảo lần này chủ yếu tập trung việc thảo luận về cấp cứu ban đầu và nâng cao chất lượng đào tạo cấp cứu ban đầu” – TS Nguyễn Đức Chính chia sẻ.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi và đánh giá công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân viên cấp cứu ban đầu và qua đó có những kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường công tác đào tạo cấp cứu chấn thương ban đầu, đặc biệt cấp cứu tai nạn giao thông giúp cho việc giảm thiểu nguy cơ thương tích và tử vong.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định, trong nhiều hoạt động của An toàn giao thông thì vấn đề nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu đối với tai nạn giao thông là vấn đề rất đáng để quan tâm. Việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy, phải cho mọi người trong cộng đồng cùng chung tay và ý chí hành động triển khai rộng khắp để triển khai thực hiện. Tiếp đó phải xác định được mô hình như thế nào là tốt, mô hình thông tin thống kê làm sao cho chuẩn để thực hiện.
Trên cơ sở đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê mong Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các lực lượng chức năng tiếp thu mọi ý kiến và phải có sự vào cuộc hết sức quyết liệt, tạo mợi điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng cùng góp sức.
Tr.B