Những năm gần đây, tuy chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nào nhưng hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Muốn đổi gió cho chuyến về quê cuối tháng 6 vừa qua, thay vì chạy xe qua cầu Tam Giang, chúng tôi lại về Sịa và đi đò từ bến Cồn Tộc về Vĩnh Tu. Buổi chiều, gió trên phá khá lớn, nước bắn cả lên thuyền và hành khách. Người lái đò chẳng mấy quan tâm đến việc nhắc mọi người áo phao. Chỉ sau khi chúng tôi yêu cầu áo phao, lái thuyền mới đưa cho mọi người cùng mặc. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn mặt áo phao: “Nhìn áo phao “bẩn bẩn” mặc vào ngại, với lại mình biết bơi, không phải lo xa”. Đó là tâm lý của chị Quỳnh (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) và khá nhiều hành khách đi trên thuyền ngày hôm đó.
Hành khách đi trên thuyền không mặc áo phao
Bến đò Cồn Tộc có 4 phương tiện, trung bình mỗi ngày đưa đón khoảng 16 chuyến (4 chuyến/đò/ngày). Hành khách chủ yếu là người dân của ba xã Quảng Lợi, Quảng Ngạn và Quảng Công, ngoài ra còn có giáo viên và học sinh của Trường THCS Tố Hữu (xã Quảng Công) và Trường tiểu học Quảng Ngạn. Mỗi chuyến đò có khoảng 7 đến 15 người và 5 đến 7 xe máy, xe đạp. Sáng sớm và chiều tối, lúc học sinh tan trường, công sở tan ca là thời điểm khách đi đông nhất. Hành khách tiện đâu ngồi đó, người ngồi ở mũi thuyền, người lại vắt vẻo trên yên xe rất nguy hiểm, nhất là khi có gió lớn.
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải (GTVT), bến đò Vĩnh Tu - Cồn Tộc do HTX vận tải đường sông Quảng Điền quản lý, trước đây có 8 phương tiện, nay chỉ còn 4 phương tiện đang hoạt động có đăng ký và đăng kiểm theo quy định (thuyền 0216K, 0218K, 0220K, 0982K, kiểm định tháng 5/2016), 4 phương tiện còn lại đã hết hạn nhưng không kiểm định lại. Thanh tra sở cũng phát hiện 4 thuyền này sơn số hiệu thuyền trùng số với các thuyền còn hạn đăng kiểm và lập biên bản yêu cầu xóa số hiệu không đưa các phương tiện trên vào hoạt động, kéo thuyền lên bờ và tháo máy và bánh lái. Thanh tra Sở GTVT đã yêu cầu một số thuyền viên sử dụng bằng thuyền trưởng tàu cá liên hệ sở để đổi bằng lái phương tiện thủy nội địa nhưng đến nay các lái thuyền vẫn chưa thực hiện. Các thuyền đều có trang bị thiết bị cứu sinh tuy nhiên một số phao tròn đã quá cũ, kém chất lượng. Ngoài thuyền chở khách hầu hết các tàu chở cát sỏi trên địa bàn huyện Quảng Điền không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật, không có đăng kiểm, không sơn kẻ số hiệu thuyền, nhiều tàu mua bán không sang tên đổi chủ, thuyền viên không có bằng, chứng chỉ phù hợp, thường xuyên chở quá tải trọng.
Ông Nguyễn Đình Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, bày tỏ, việc người dân sử dụng thuyền đánh bắt thủy sản để chuyên chở du khách tham quan trên phá Tam Giang cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Chính quyền địa phương cũng rất khó quản lý việc vận chuyển khách theo hình thức trên.
Theo ông Võ Văn Tươi Phó Giám đốc Sở GTVT, để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn huyện Quảng Điền, ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, chính quyền cấp xã, thị trấn cần phải thường xuyên kiểm tra các chủ thuyền, người điều khiển phương tiện. Kiên quyết xử lý các phương tiện vận chuyển không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Hành khách đi thuyền cần có ý thức tự bảo vệ mình.
Cũng theo ông Tươi, huyện Quảng Điền cần thành lập ban giám sát an toàn giao thông tại khu vực bến đò Cồn Tộc, có phương án cứu hộ, cứu nạn; lập danh sách hành khách nhằm hạn chế thiệt hại nếu xảy ra tình huống xấu.
Tại buổi kiểm tra tình hình an toàn giao thông đường thủy tại huyện Quảng Điền vào cuối tháng 6 vừa qua Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, huyện Quảng Điền và các đơn vị liên quan cần thực hiện quản lý tốt các bến thủy, bến khách ngang sông đảm bảo đúng quy định, phương tiện phải đủ tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật mới cho vận chuyển khách qua sông, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã khi xảy ra tai nạn đường thủy trên địa bàn. Các lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt cao điểm tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với các bến đò ngang, phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật, thiếu trang thiết bị cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, chở quá số người quy định…
Từ 1/7, Nghị định 132 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực. Theo đó, hành khách đi tàu, đò ngang sông nếu không mặc áo phao hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh sẽ bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng.