Lập lại trật tự hành lang vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP Thanh Hóa

Thứ ba, 19/07/2016 07:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự đồng bộ và ngày càng hoàn thiện của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã góp phần tạo nên diện mạo mới, hiện đại cho TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, để hiện đại đi liền với văn minh, cũng đồng thời là thực hiện “kim chỉ nam” xây dựng thành phố trở thành “đô thị văn minh, công dân thân thiện”, thì con người - “chuẩn” cư dân đô thị - mới chính là chìa khóa.

TP Thanh Hóa vẫn còn tình trạng họp chợ ngay trên vỉa hè, lòng đường.

TP Thanh Hóa vẫn còn tình trạng họp chợ ngay trên vỉa hè, lòng đường.

Vào cuộc quyết liệt
 
Nói về sự chuyển mình đáng tự hào của TP Thanh Hóa, trước hết phải nói đến sự đổi thay diện mạo của nó. Với nhiều dấu ấn đậm nét, mang tên những công trình kiến trúc hiện đại, những cung đường thênh thang, những công trình dân sinh lớn... đã và đang góp phần khẳng định vị thế của đô thị loại I – đầu tàu phát triển của cả tỉnh Thanh Hóa. Trong mọi sự nỗ lực để làm đẹp thêm diện mạo đô thị, cũng là nhằm mục tiêu xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”, không thể phủ nhận tính hiệu quả từ một loạt các giải pháp của thành phố trong việc xây dựng và bảo vệ mỹ quan đô thị, trong đó có việc quản lý và lập lại trật tự hành lang vỉa hè, lòng đường. 
 
Như thường lệ, tầm 6h sáng thứ 7 hàng tuần, loa truyền thanh dọc tuyến đường Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn đánh thức người dân dậy sớm hơn mọi ngày để dọn vệ sinh đường phố. Xen lẫn nhiều bài hát có ca từ, giai điệu khá vui nhộn về bảo vệ môi trường, trật tự giao thông, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... phát thanh viên sẽ giới thiệu nội dung các văn bản của thành phố có liên quan. Đây là một trong những biện pháp tuyên truyền phổ biến và đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể là ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh của bà con khối phố Dương Đình Nghệ đã được nâng lên. Theo đó, việc bà con tự giác tham gia dọn vệ sinh, đổ rác đúng thời gian quy định  là một bước chuyển quan trọng từ nhận thức đến hành động. 
 
Trao đổi với cán bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố, chúng tôi được cung cấp một danh sách gồm hàng chục văn bản (các quyết định, chỉ thị, kế hoạch của UBND TP Thanh Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa) có liên quan đến trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch... trong đó, công tác chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là một nội dung trọng tâm. Có thể nói, hệ thống văn bản “dày dặn” đã phần nào cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố, với quyết tâm “giành lại” vỉa hè cho người đi bộ và bảo đảm giao thông được thông suốt. Để các văn bản đi vào cuộc sống, thành phố đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trên loa truyền thanh, loa cố định, truyền hình thứ 7, họp dân, ký cam kết... Và, những chuyển biến theo chiều hướng tích cực ở nhiều tuyến phố trên địa bàn thời gian qua đã minh chứng cho tính hiệu quả của giải pháp này.
 
Bên cạnh việc tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, tạo tính răn đe đối với các tập thể, cá nhân vi phạm được xem là một giải pháp trọng tâm, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như mới đây nhất, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành 37 quyết định xử phạt, với số tiền trên 366 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công... Đồng thời, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh trái phép, vệ sinh môi trường... trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 47, đường Triệu Quốc Đạt, Hàng Đồng, Trường Thi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Hải Thượng Lãn Ông, Đại lộ Hùng Vương... góp phần trả lại dáng vẻ và công năng sử dụng vốn có cho vỉa hè, lòng đường trên các tuyến giao thông này.
 
Để nỗ lực không như “đá ném ao bèo”
 
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố, nhiều tuyến phố nội thành đang ngày càng đẹp lên. Tuy nhiên, kết quả ấy sẽ thiếu bền vững nếu chỉ có sự nỗ lực, cố gắng từ một phía. Đồng thời, việc tuyên truyền hay kiểm tra, xử lý chỉ là giải pháp tình thế và sẽ như “đá ném ao bèo” nếu các chủ thể đang lợi dụng lòng đường, vỉa hè cho mục đích cá nhân không “mặn mà” với các quy định của chính quyền.   
 
Vỉa hè “phục vụ chủ yếu cho người đi bộ” và lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông lưu thông. Thế nhưng, trong thực tế, nhìn vào công năng của nhiều tuyến vỉa hè hay cách người ta sử dụng tài sản chung như “của riêng” mới thấy thế nào là quy định một đường, chấp hành một nẻo. Đại lộ Lê Lợi hay các tuyến phố lớn, sầm uất, đắt đỏ như Lê Hoàn, Bà Triệu, Quang Trung... luôn náo nhiệt.  Không khí “đậm chất” đô thị ấy đến từ việc buôn bán kinh doanh và nhất là từ những quán nhậu đêm san sát, luôn sáng đèn để đáp ứng cái “văn hóa” nhậu sau giờ làm, sau khi chơi thể thao hay bàn công việc trên bàn ăn... khá thịnh hiện nay. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu vỉa hè, lòng đường không bị biến thành “sân trước”, hay phải “oằn mình” gánh hộ, chia khó với các gia chủ để giúp họ kinh doanh, đậu, đỗ, trông giữ xe. Hẳn là, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ở nhiều nơi đã trở thành... chuyện thường. Vậy nên, sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến việc “lòng đường, vỉa hè chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông” (quy định tại Điều 36, Luật Giao thông đường bộ năm 2008) và chỉ một số công trình tuyến phố đặc thù mới được sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa? Hoặc nếu kinh doanh, buôn bán phải được sự đồng ý và tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương?
 
Cái vòng luẩn quẩn của dẹp trước tái sau đã khiến cho cánh tay thành phố dù có dài đến mấy cũng khó vươn đến mọi ngõ ngách. Do vậy, phát huy vai trò của chính quyền các phường, xã trong việc quản lý, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trở thành yếu tố quan trọng. Thế nhưng, trước thực trạng nhiều tuyến đường, vỉa hè đang bị “lạm dụng” như hiện nay, rõ ràng là vai trò của chính quyền cơ sở còn khá mờ nhạt. Trong khi đó, Chỉ thị 04/CT-UBND, ngày 18-1-2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố “có quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự đô thị, an toàn giao thông tại các địa phương”. Câu hỏi ở đây không phải là trách nhiệm thuộc về ai mà là xử lý như thế nào với việc thờ ơ, vô trách nhiệm?...
 

xuannguyen

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)