Với thông điệp “Chung tay vì một môi trường giao thông Việt Nam an toàn”, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã xây dựng chương trình hợp tác bền vững về ATGT (được ký kết lần đầu tiên vào ngày 04/02/2015) nhằm phối hợp thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, đào tạo về lĩnh vực ATGT; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển giao thông đô thị.
Ảnh minh họa: Internet
Năm 2015, Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM đã thống nhất thành lập Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy tại Việt Nam để hỗ trợ kinh phí cho những nghiên cứu khoa học liên quan đến xe máy nhằm đề ra các giải pháp giúp cho người sử dụng xe máy an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.
Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy trong năm đầu tiên đã hoạt động hiệu quả thông qua việc tài trợ thực hiện ba nghiên cứu với chủ đề: (1) Nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; (2) Nguyên nhân tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Nguyên nhân tai nạn giao thông xe máy và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông xe máy tại Thái Nguyên. Kết quả các nghiên cứu đã cung cấp những thông tin quan trọng về tình hình cũng như giải pháp bảo đảm ATGT xe máy tại TP. Hồ Chí Minh và Tỉnh Thái Nguyên.
Trong những năm gần đây, số lượng xe đạp điện, xe máy điện đã gia tăng nhanh chóng, theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 2 triệu phương tiện. Xe đạp điện, xe máy điện đang dần trở thành loại phương tiện được nhiều người sử dụng bởi ưu điểm gọn nhẹ, linh hoạt, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Mặt khác, với giá cả phải chăng, người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe đạp điện, xe máy điện chạy với tốc độ ngang xe máy thông thường.
Tuy nhiên, trong khi cơ sở hạ tầng chưa có sự thay đổi lớn và thiếu sự kiểm soát về chất lượng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện đặc biệt là hệ thống phanh, hệ thống chiếu sáng cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông cho người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Trong đó, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là học sinh trung học phổ thông là nhóm sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện chiếm đa số hiện nay.
Kết quả từ các nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ nghiên cứu ATGT xe máy tại Việt Nam năm 2015 cũng chỉ ra rằng: Học sinh THPT là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo tính toán số liệu, tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này là 32,5 trẻ tử vong trên 100.000 trẻ, cao gấp 4 lần tỷ lệ tử vong do TNGT người bình thường tại TP.HCM và cao gấp 8-9 lần nhóm trẻ cùng độ tuổi ở các nước phát triển. Học sinh THPT có liên quan đến hơn 70% tổng các vụ TNGT trẻ em trên địa bàn thành phố, tiếp đến là học sinh THCS (gần 20%), học sinh Tiểu học (5%) và trẻ mẫu giáo (5%). Hơn 10% học sinh THPT lái xe máy (trên 50cc) đến trường không theo đúng quy định pháp luật.
Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu thực tế trên, Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM đã thống nhất lựa chọn và tài trợ kinh phí nghiên cứu khoa học năm 2016 với chủ đề “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và đề xuất giải pháp khắc phục”.
Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM trân trọng mời các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, các Doanh nghiệp, Tổ chức, Cá nhân quan tâm tham gia gửi Mẫu đăng ký nghiên cứu về chủ đề trên tới địa chỉ Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất Việt Nam trước 17h00 ngày 03/10/2016 qua địa chỉ hòm thư haitranntsc@gmail.com và vantu@yamaha-motor.com.vn. Mẫu đăng ký và hướng dẫn chi tiết xem tại đây.
Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm, dành thời gian để chuẩn bị đề xuất chi tiết, chuyển những ý tưởng tốt thành giải pháp nghiên cứu cụ thể, nhằm giúp người dân đặc biệt là học sinh trung học phổ thông tham gia giao thông an toàn hơn, góp phần vào công cuộc đảm bảo trật tự ATGT tại Việt Nam./.
P.V