Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 30 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài gần 1.900 km, trong đó có 21 tuyến có thể đưa vào khai thác phục vụ giao thông vận tải thủy với chiều dài khoảng 1.170 km. Tuy nhiên, vấn đề khai thác cát ở một số tuyến sông thiếu quy hoạch, khai thác trái phép đã làm sạt lở, hư hỏng các con đê hàng chục tỷ đồng. Nhiều nơi, các đối tượng “cát tặc” còn lộng hành, thách thức các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa bị xử lý. Gần đây, nhiều tai, tệ nạn như bài bạc, buôn lậu... đã tràn xuống các dòng sông, trở thành vấn đề nhức nhối.
Đê tả sông Chu qua xã Thọ Trường (huyện Thọ Xuân) được đầu tư xây dựng kiên cố.
Từ xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng công việc đắp đê trị thủy, điều tiết nước sản xuất. Ngoài đấu tranh chống ngoại xâm, lịch sử phát triển của dân tộc luôn gắn liền với quá trình chống thiên tai để bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó có việc kiên cố đê sông, đào đắp các tuyến sông mới. Tại Thanh Hóa, sông Nhà Lê (còn gọi là kênh Nhà Lê) được nhà Tiền Lê cho đào để phát triển hệ thống giao thông đường thủy và điều tiết nước tưới phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân mà đến tận hôm nay vẫn còn phát huy tác dụng... Ngay từ khi giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một trong những việc đầu tiên được Bác Hồ triển khai là ra Sắc lệnh số 70/SL ngày 22/5/1946, thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê để chỉ đạo công tác hộ đê, kiên cố hóa đê điều nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, việc phòng ngừa lụt, bão là tối quan trọng, nơi nào thực hiện tốt việc phòng ngừa, có phương án phòng chống lụt, bão chu đáo thì đến khi có lụt, bão xảy ra đều có khả năng ứng phó kịp thời. Theo đó, việc khắc phục hậu quả bão lụt sẽ được nhanh, sớm ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất.
Các sông ở Thanh Hóa đều bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, lòng sông hẹp, độ dốc lớn, chảy quanh co, uốn khúc nên khả năng sạt lở, vỡ đê cao hơn nhiều địa phương khác. Thống kê từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương có tổng chiều dài đê lớn nhất cả nước với 1.008 km, đang góp phần bảo vệ cho 17 huyện, thị xã, thành phố với 450 xã, trong đó có 296 xã có đê đi qua. Dân số được bảo vệ bởi các con đê khoảng 2,8 triệu người, bằng 2/3 dân số cả tỉnh. Những vùng được bảo vệ bởi hệ thống đê lớn trong tỉnh lại chính là những trọng điểm trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh và các địa phương.
Xác định được tầm quan trọng của việc bảo vệ đê điều, những năm gần đây, tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã không ngừng nỗ lực để kiên cố các con đê. Thống kê từ năm 2007 đến nay, trên các tuyến đê sông lớn (từ cấp III đến cấp I) của tỉnh đã có 105,6 km đê được tu bổ, nâng cấp; làm mới 42,5 km kè, 115 cống dưới đê (cả đê sông, đê biển). Về tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, kè biển theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã thi công hoàn thành 70,2 km/94 km đê, kè biển, cửa sông; hiện đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp 23,8 km đê, kè còn lại. Các trọng điểm xung yếu về đê, kè, cống trên đê dần được khắc khục đã góp phần phục vụ tốt hơn công tác phòng chống lụt bão. Việc tu bổ nâng cấp các tuyến đê cũng góp phần để các địa phương và người dân ven sông kết hợp phát triển giao thông, cải thiện cảnh quan môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tuyến đê được đầu tư khang trang như đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thọ Xuân và đoạn từ cầu Vạn Hà đi xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa)... trở thành tuyến giao thông thuận lợi cho người dân trong vùng, góp phần bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp, sự an toàn cho hàng chục nghìn hộ dân an cư.
Ngoài những thành quả đáng ghi nhận trong công tác kiên cố hóa và bảo vệ đê điều, hiện trạng đê trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn đáng lo ngại. Khá nhiều đoạn đê kè yếu, cần được tu bổ, nâng cấp để bảo đảm yêu cầu phòng chống lụt bão và an toàn cho nhân dân. Nhiều đoạn đê được đắp trên nền đất yếu sình lầy, thân đê được đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, nhiều đoạn đê cao trên 5m, nên khi có mưa lũ dễ xảy ra sạt trượt... Đối với hệ thống đê sông con của tỉnh, mới có một số tuyến đê được tu bổ trong những năm gần đây đạt tiêu chuẩn chống lũ như đê tả, hữu sông Bưởi; đê tả Cầu Chày; đê tả Thị Long; đê hữu sông Yên, tả sông Nhơm... Hàng chục đoạn đê còn lại chưa đủ cao trình chống lũ, không có chiều cao gia tăng an toàn hoặc có chiều cao gia tăng thấp hơn 0,3 m; mặt đê nhỏ, mái dốc, nhiều đoạn đê sát sông nhưng chưa được kè, mái đê sạt lở nhiều, đặc biệt là các tuyến đê sông Hoạt, sông Hoàng, hữu sông Nhơm, sông Lạch Bạng... Những khu vực sông nhỏ chưa được an toàn này, khi có mưa từ 300 mm trở lên trong một thời gian ngắn từ 1- 2 ngày, đều có nguy cơ bị tràn.
Qua đó thấy rằng, công tác bảo vệ, kiên cố hóa đê điều của Thanh Hóa trong thời gian tới vẫn còn là việc làm rất quan trọng, phải chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục. Mọi hoạt động xâm hại, gây hư hỏng đê điều như hút cát trái phép, vận chuyển cát trên đê... đều phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.