VEC tổ chức Hội thảo công nghệ quan trắc trong khai thác vận hành và thí nghiệm hầm gió cho cầu dây văng trên đường cao tốc

Thứ sáu, 22/04/2016 08:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 21/4, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Phạm Hồng Quang đã chủ trì Hội thảo "Công nghệ quan trắc trong khai thác vận hành và thí nghiệm hầm gió cho cầu dây văng trên đường cao tốc".

Phó Tổng giám đốc VEC Phạm Hồng Quang chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, Công ty Thế hệ GEO đã giới thiệu hệ thống quản lý vận hành và khai thác tài sản giao thông (EPMS), hệ thống giao thông thông minh (ITS); hệ thống thu thập dữ liệu, quan trắc cho hệ thống (EPMS và ITS); công nghệ phân tích hình ảnh, phân tích dữ liệu phục vụ điều khiển giao thông bằng camera và hệ thống quản lý giao thông; hệ thống quan trắc phục vụ giai đoạn xây dựng; thí nghiệm hầm gió đối với cầu dây văng. Đây là hai xu hướng công nghệ mới đang ứng dụng phổ biến trên thế giới.

Đặc điểm và chức năng của hệ thống quan trắc là quản trị hệ thống tài sản giao thông; quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến vận hành, bảo trì, quản trị cơ sở dữ liệu… Theo đó, lớp thông tin tình trạng giao thông bao gồm lớp thông tin tài sản đường cao tốc (biển báo, cầu, đường, biển quảng cáo,…) và lớp thông tin camera phân tích.

Ảnh 2

Hệ thống quan trắc cầu sẽ đưa ra chỉ số của các yếu tố ảnh hưởng/tác động đến kết cấu cầu như gió, mưa, độ ẩm, sương mù, động đất, nhiệt độ, độ giãn nở, tải trọng phương tiện, lực căng của dây cáp… Trên cơ sở các số liệu thu thập được, các chuyên gia sẽ phân tích đưa ra những đánh giá nhận xét, từ đó chủ động lập kế hoạch cho công tác bảo trì, bảo dưỡng kịp thời. Ngoài ra, khi được tích hợp với ITS, các số liệu này còn hỗ trợ phát huy tối đa cho công tác điều hành giao thông trên đường cao tốc tại bất kỳ thời điểm nào. Việc quan trắc hầm sẽ cho biết những yếu tố tác động lên vỏ hầm, những biến dạng của vỏ hầm… Hệ thống quan trắc đường có thể tự động cập nhật dữ liệu để đánh giá khi nào đường sẽ tắt lún, phục vụ trực tiếp cho công tác thi công…

Đối với ITS, Công ty Thế hệ GEO chủ yếu giới thiệu sâu hệ thống phân tích hình ảnh giúp cho việc giám sát từ xa, kinh doanh thông minh…

Cũng tại Hội thảo, Công ty SOH giới thiệu công nghệ trong phương pháp thí nghiệm tải trọng hầm gió cầu dây văng nhằm đảm bảo an toàn cho kết cấu cầu, trụ, dây văng và tiết kiệm tối đa chi phí.

Ảnh 3

Theo Phó Tổng giám đốc Phạm Hồng Quang, Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành VEC đang triển khai đầu tư xây dựng có 2 thí nghiệm hầm gió cầu dây văng: Bình Khánh và Phước Khánh liên quan đến chuyên môn của đơn vị tư vấn. Đối với hai thí nghiệm này, về nguyên tắc, VEC đã tổ chức đấu thầu và nhà thầu trúng thầu sẽ tổ chức thí nghiệm hầm gió trong bước lập bản vẽ thi công, và quyền lựa chọn nhà thầu thí nghiệm hầm gió thuộc trách nhiệm nhà thầu xây lắp sau đó thông qua Chủ đầu tư xem xét chấp thuận. VEC mong muốn SOH hỗ trợ Chủ đầu tư tham vấn đối với hai hồ sơ đề xuất về thí nghiệm hầm gió cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh.

Với đề xuất của Công ty Thế hệ GEO mong muốn khảo sát một đoạn đề mô cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Phó Tổng giám đốc Phạm Hồng Quang cho biết, tuyến cao tốc này do VEC làm Chủ đầu tư và quản lý, được đưa vào khai thác đã 2 năm, với tổng chiều dài toàn tuyến 55km, trong đó có khoảng 20km cầu – đây là điều kiện rất tốt để GEO khảo sát thực tế cũng như nghiên cứu phương án đề xuất về việc gắn các monitoring cho phần cầu cạn (ước chừng 12km)... Ông Quang giao Trung tâm Nghiên cứu phát triển đường cao tốc Việt Nam làm đầu mối; Ban quản lý Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành chịu trách nhiệm cung cấp cho tư vấn SOH đề cương thí nghiệm hầm gió cũng như những ý kiến của nhà thầu và tư vấn giám sát; Phòng Quản lý thi công, Phòng Quản lý khai thác và Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) phối hợp và tạo điều kiện cho Công ty Thế hệ GEO thu thập và phân tích các dữ liệu…

Tuấn Anh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)