Chính quyền Nhật Bản cùng các nhà sản xuất ô tô nước này đang phải lên chương trình chuẩn hóa thiết kế ô tô để nương theo tình trạng dân số già, vấn đề xã hội nhức nhối tại nước này.
Nhật đang cải tiến thiết kế ô tô nội địa, tăng mức độ an toàn cho tài xế là người cao tuổi
Hơn 350 nghìn người già tình nguyện nộp lại bằng lái xe
Từ thực tế khoảng 30% dân số Nhật Bản đang ở độ tuổi trên 65, chính quyền Tokyo đã gặp phải rất nhiều vấn đề trong quá trình đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội, đi lại, kết nối cho người cao tuổi.
Việc tạo điều kiện đi lại cho người già càng trở nên quan trọng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát buộc chính phủ phải dừng một số loại hình giao thông công cộng; nhiều tuyến đường sắt ở khu vực nông thôn tạm ngừng hoạt động.
Từ đây, xe hơi trở thành phương tiện thuận lợi nhất cho người cao tuổi nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều năm trở lại đây, tai nạn liên quan tới người cao tuổi xảy ra liên tiếp và có xu hướng tăng tại Nhật.
Tháng 4/2019, cụ ông Kozo Iizuka (89 tuổi) bị buộc tội lái xe cẩu thả gây tai nạn nghiêm trọng tại quận Ikebukuro, Thủ đô Tokyo. Khi đó, cụ ông Iizuka lái xe Toyota Prius chở vợ tới nhà hàng Pháp, khiến 1 đứa trẻ ở tuổi tập đi và mẹ cháu bé thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương. Đầu tháng 2/2020, cụ ông này chính thức bị truy tố vì tội xe cẩu thả gây hậu quả nghiêm trọng.
Sự việc này làm tốn giấy mực báo chí vì khi đó ông Iizuka giữ vị trí cấp cao trong chính phủ. Vụ việc còn thổi bùng lên cuộc tranh cãi quốc gia về rủi ro khi để người cao tuổi lái xe.
Sau đó, để góp phần hạn chế tai nạn, khoảng 350.428 người trên 75 tuổi tình nguyện nộp lại bằng lái xe, đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử, theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật.
Là một trong những người nộp lại bằng lái, ông Hideaki Fukushima (90 tuổi, sống tại Takamori, một thị trấn nhỏ ở vùng núi thuộc miền Trung Nhật Bản) cho biết, nơi vợ chồng ông sinh sống, dịch vụ tàu công cộng hoạt động thưa thớt nên những người như họ không thể đi đâu nếu không có ô tô.
“Vì an toàn, các con tôi khuyên bố mẹ nộp lại bằng lái xe nhưng chúng lại sống cách nhà bố mẹ tới 2 giờ chạy xe nên vợ chồng tôi chẳng thể đi đâu xa”, ông Fukushima nói thêm.
Nếu ngày càng có nhiều trường hợp như ông Fukushima, cuộc sống của người cao tuổi tại Nhật sẽ càng bị cô lập quanh bốn bức tường, khiến vấn đề cô đơn trong xã hội Nhật càng khó giải quyết.
Chuẩn hóa thiết kế ô tô, tăng tính năng an toàn
Thực trạng này tạo áp lực buộc Chính phủ Nhật phải ưu tiên chuẩn hóa thiết kế ô tô, tạo điều kiện cho người lớn tuổi có thể ngồi sau tay lái an toàn.
Trong đó, từ cách đây 1 năm, Chính phủ Nhật đã quy định bắt buộc các hãng xe nội địa phải tăng cường phanh tự động trên tất cả các mẫu xe mới hoặc cải tiến, bán ra thị trường từ tháng 11/2021. Những mẫu xe đã được bán ra thị trường sẽ phải lắp thêm hệ thống phanh tự động từ tháng 12/2025.
Các hãng xe Nhật cũng phải lắp đặt thêm tính năng an toàn cho xe hơi. Năm ngoái, hãng xe Toyota đã nâng cấp thêm tính năng Cảm ứng An toàn (Safety Sense).
Nhờ sử dụng radar cùng camera độ phân giải cao gắn trên kính chắn gió giúp phát hiện ô tô hoặc người đi bộ đang đi tới, thậm chí là xe đạp, đưa ra cảnh báo về hình ảnh và âm thanh cho lái xe. Nếu lái xe không phản ứng, hệ thống phanh tự động sẽ được kích hoạt.
Subaru, chi nhánh xe hơi thứ 5 thuộc Tập đoàn Toyota cũng đang xây dựng chiến lược dựa trên kỳ vọng không còn tai nạn chết người tương tự như tập đoàn mẹ. Họ đang ứng dụng công nghệ EyeSight, bao gồm camera lập thể và cảm biến hình ảnh riêng biệt cho từng ống kính, tạo khả năng chụp hình ảnh 3 chiều, cho phép đánh giá, cảnh báo nguy cơ tới lái xe.
Công ty Sabaru dẫn thống kê cho biết, các phương tiện được trang bị EyeSight giúp giảm thiểu 61% số vụ tai nạn và 85% số vụ đâm từ phía sau. Thương vong liên quan tới người đi bộ cũng giảm 35%.
Hãng xe Nissan cũng vừa công bố một hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng mang tên ProPILOT Assist dự kiến được lắp đặt trên ít nhất 20 mẫu có mặt tại hơn 20 thị trường toàn cầu tính đến cuối năm 2023.
Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi và hiệu quả hơn, các công nghệ trên cần kết hợp thêm trí thông minh nhân tạo. “Việc phổ cập công nghệ này trên ô tô cho người bình thường sử dụng là nhiệm vụ cực lớn”, ông Eiji Shibata, chuyên gia giám sát phát triển EyeSight của Subaru nhận định.
Tính năng Cảm ứng An toàn (Safety Sense) trên xe của Toyota còn hỗ trợ người già điều chỉnh lỗi đi chệch làn không chủ ý, tự động thay đổi ánh sáng đèn vào ban đêm tùy thuộc vào giao thông xung quanh, phát hiện những chiếc ô tô đang di chuyển chậm hơn ở phía trước trên đường cao tốc, tự động duy trì khoảng cách được ấn định trước… Thậm chí, công nghệ này còn hỗ trợ xác định và chiếu cảnh báo về các biển báo tốc độ, biển báo cấm trong trường hợp người cao tuổi lơ đễnh.