Không chỉ làm cầu phao nối nhịp đôi bờ giúp người dân ở quê nhà thoát cảnh lụy đò, anh Trần Văn Trường (SN 1968, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) còn làm cầu phao giúp người dân 5 thôn vùng “ốc đảo” xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) không còn chịu cảnh “khát” cầu. Trần Văn Trường đùa vui, anh đến với cầu phao như một mối lương duyên đầy trắc trở.
|
Anh Trần Văn Trường bên cầu phao Tả Trạch |
Lợi cả đôi đường
Anh Trường sinh ra và lớn lên ở phía Tây huyện Vĩnh Linh. Năm 1987, anh nhập ngũ, 3 năm sau xuất ngũ về quê và kết duyên với cô thiếu nữ cùng quê Trần Thị Hợi. Hơn hai năm trước, câu chuyện Trần Văn Trường cùng với 3 nông dân khác ở Quảng Trị tự bỏ tiền túi gần 2 tỷ đồng làm cây cầu phao dân sinh đầu tiên trên sông Bến Hải đã làm xôn xao vùng quê Vĩnh Linh truyền thống Anh hùng. Để làm được cây cầu phao đầu tiên này, anh Trường đã mất khá nhiều thời gian lặn lội, tìm hiểu, tham khảo, rồi tự tay phác thảo, sau đó nhờ tư vấn thiết kế chỉnh sửa, hoàn tất thủ tục xin cấp phép, rồi tìm mua sắt, ống nước mạ kẽm, thùng phuy về làm cầu phao. Cầu phao bắc qua sông Bến Hải dài 120m, rộng 2,5m, gồm 6 nhịp, trong đó có nhịp có khoang thông thuyền, đã nối nhịp đôi bờ ngày 30/4/2011 trong niềm vui hân hoan của người dân địa phương. Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh Quảng Trị cũng đã khen thưởng các nông dân về hoạt động ý nghĩa dân sinh này.
Nói về cơ duyên đưa anh đến với mong muốn làm cầu phao bắc ngang dòng Bến Hải, anh Trường cho biết: “Trước đó, khi chưa có cầu phao, người dân các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy bị “án ngữ” bởi các nhánh của dòng sông Bến Hải (sông Bến Tắt và sông Sa Lung), nên người dân ở phía Bắc muốn ra QL1A để đến thị trấn Hồ Xá phải đi vòng 15km theo con đường Châu Thị, còn người dân ở phía Nam vùng Lâm - Sơn - Thủy này muốn ra QL1A phải đi “ké” qua cầu đường sắt ga Tiên An khoảng 10km rất nguy hiểm. Hoặc, phải chọn con đường ngắn nhất để ra QL1A bên kia sông là... lụy đò. Trong khi nhà nước chưa có tiền để “phủ sóng” làm cầu tại tất cả các vùng quê, tôi cùng bạn bè đã quyết định đầu tư làm cầu phao để vừa phục vụ dân sinh, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình”.
Cũng với suy nghĩ đó, trong một lần vào Huế, qua vùng “ốc đảo” xã Hương Thọ dự đám cưới, chứng kiến cảnh người dân nơi đây vất vả lụy đò và “khát” cầu từ mấy chục năm nay, Trần Văn Trường đã quyết định xây dựng cầu phao qua sông Tả Trạch.
“Trước đây tôi làm cầu phao qua sông Bến Hải, những người đi làm ăn xa quê trở về ôm chầm lấy tôi nói, nếu làm sớm vài năm trước thì dân mình đã đỡ khổ. Khi làm cầu phao Tả Trạch, những cao niên vùng “ốc đảo” Hương Thọ nói rằng, bây giờ có nhắm mắt cũng thỏa nguyện, vì cây cầu họ mòn mỏi trông chờ suốt gần một thế kỷ qua đã nối nhịp đôi bờ, đi lại quá thuận tiện. Trong khi người đầu tư làm cầu phao, rồi thu phí bằng với giá người dân khi đi đò, xét về kinh tế cũng rất được, vài năm sau đã lấy lại vốn”- anh Trường chia sẻ.
|
Cây cầu phao tiền tỷ do anh Trường đầu tư |
Những cây cầu nối nhịp đôi bờ
Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Trần Văn Trường hết xuống ruộng lại lên rừng để mưu sinh, sau đó chuyển sang nuôi tôm. Năm 2005, vợ chồng anh vay tiền ngân hàng để thực hiện giấc mơ làm giàu từ con tôm, nhưng trận lũ tháng 9/2005 bất ngờ ập về đã cuốn đi tất cả, để lại khoản nợ ngân hàng 150 triệu đồng.
Gác lại giấc mơ “đổi đời” từ con tôm, Trần Văn Trường khăn gói lên vùng rừng núi huyện Hướng Hóa, rồi qua vùng Tây huyện Triệu Phong (Quảng Trị) làm thuê. “Ở vùng Tây Triệu Phong tôi bảo vệ 50 ha rừng, chăn một đàn bò 50 con và 25 con dê cho một ông chủ, nhưng sóng điện thoại không có, ngôi nhà gần nhất cũng cách 5 cây số, nếu lỡ đêm hôm có chuyện gì không biết kêu ai. Cuối năm 2007, tôi về quê, mua chiếc Honda Cub 81 cũ và thuê một cái quầy nhỏ ở chợ thị trấn Hồ Xá để vợ bán tôm, còn mình tìm mối bỏ tôm cho các quán nhậu, nhà hàng… Công việc bán buôn đang thuận lợi, tai họa lại ập xuống. Hôm ấy là ngày 8/9/2008, tôi trèo lên tháo giàn giáo ngôi nhà nhỏ đang xây, thì bất ngờ cây bạch đàn đổ xuống, đập vào đứa con trai 10 tuổi vỡ sọ não. Hơn 6 tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, cháu dần dần hồi phục, gia đình tôi lại rơi vào tình cảnh nợ nần. Cuối năm 2008, khi người chèo đò trên sông Bến Hải vi phạm luật giao thông bị đình chỉ chưa có người thay, tôi liền viết đơn xin đi... chèo đò, rồi cái “nghiệp” cầu phao đến với tôi từ ngày ấy”.
Hơn hai năm chèo đò đưa khách qua sông, anh thấu hiểu nỗi khổ của các em học sinh và người dân địa phương quanh năm phải “lụy đò”. Anh Trường bày tỏ ý định muốn đầu tư làm cầu phao nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt. “Vợ tôi giấu kỹ sổ đỏ, yêu cầu cả bố mẹ hai bên không cho tôi mượn sổ đỏ để vay tiền làm cầu… Tôi càng hăng máu làm cầu phao, vợ chồng càng thêm lục đục, vợ cứ cằn nhằn bỏ một đống tiền làm cầu phao để phải ngồi thu từng ngàn đồng bạc lẻ. Nhưng tôi thì suy nghĩ làm cầu phao để vừa phục vụ đắc lực cho dân sinh, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Làm cầu phao đến với tôi như một cái nghiệp, điều tôi hạnh phúc nhất là thấy người ta đi trên cây cầu phao mình bỏ công, bỏ của ra làm. Tôi dự kiến sẽ cùng với anh em làm tiếp một cầu phao khu vực thượng nguồn sông Gianh ở Quảng Bình”- Trần Văn Trường cho biết.
Ngày 5/5/2013, cầu phao Tả Trạch đã nối nhịp đôi bờ, với chiều dài 147m, rộng 2,5m, được thiết kế với hệ thống phao bằng thùng phuy phía dưới, mặt cầu lát bằng những tấm sắt dày, hai bên có lan can bảo vệ, cho phép người và xe máy qua lại; ở giữa cầu có khoang thông thuyền cho tàu thuyền qua lại. Cầu phao Tả Trạch có tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng.