Những năm qua, huyện Điện Biên (tỉnh Điên Biên) tập trung tối đa nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt, là mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT). Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện đã tạo được sự đồng thuận và ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia phát triển GTNT...
Những đoạn đường bê tông vừa hoàn thành thi công đưa vào sử dụng tại thôn C9c, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên là minh chứng rõ nhất về sự thành công trong công tác xã hội hóa và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng GTNT trên địa bàn. Tháng 6/2014, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Xương được UBND huyện Điện Biên phân bổ 2,315 tỷ đồng xây dựng 2,5km đường giao thông liên thôn. Tuyến đường có tổng chiều dài 2,5km, được thiết kế đổ bê tông, mặt đường rộng 3m, dày 16cm nối liền 3 thôn (C9a, b, c). So với định mức Nhà nước quy định, với số vốn trên thì việc thi công tuyến đường là không thể, bởi khối lượng thi công lớn và yêu cầu chất lượng cao. Tuy nhiên, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, Nhà nước hỗ trợ tiền mua xi măng, đá xay, xây lắp cống; nhân dân hiến đất, đóng góp cát, công lao động làm đường. Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên hỗ trợ thiết bị, kỹ thuật thi công gồm: 2 máy trộn bê tông, 1 máy đầm dùi, cốt pha định hình khuôn đường; kỹ thuật phối liệu bê tông, gia cường mặt đường, biện pháp thi công đảm bảo chất lượng, mỹ thuật... Sau gần 1 tháng thi công, tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng cuối tháng 11/2014. Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Tuyến đường bê tông tại các thôn C9a, b, c, xã Thanh Xương có chất lượng và kỹ thuật nhất so với đường bê tông đã thi công trên địa bàn huyện
Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng thôn C9c, xã Thanh Xương: Địa phương chưa có phong trào nào người dân lại nhiệt tình tham gia như phong trào chung sức xây dựng đường bê tông vừa qua. Lý giải về nội dung này, Trưởng thôn Hà cho biết: Khát khao của người dân địa phương là có tuyến đường đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và khi nguyện vọng chính đáng này được chứng minh bằng những mét bê tông đường đầu tiên chính là động lực để nhân dân sẵn sàng góp công, góp của tham gia. Không những người dân thôn C9c nhiệt tình tham gia góp công sức làm đường mà họ còn hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường. Nhân rộng mô hình làm đường GTNT tại xã Thanh Xương, hàng loạt xã trên địa bàn huyện đang tích cực triển khai xây dựng, nâng cấp hàng chục kilômét đường GTNT. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, toàn huyện có gần 1.000km đường GTNT. Trong đó, đường trục xã, liên xã 333,23km; đường liên thôn, bản 617,52km. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa 116/333,23km đường trực liên xã, tăng 145% so với chỉ số "cứng" hóa năm 2010. Các tuyến được "cứng" hóa chủ yếu gồm tuyến: Noong Luống – Pa Thơm; Nà Tấu - Mường Phăng; Núa Ngam - xã Mường Lói. Những tuyến đường trên đã phục vụ đắc lực việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và khai thác tiềm năng du lịch các xã: Núa Ngam, Mường Nhà, Mường Lói, Mường Phăng, Pa Thơm. Với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, trong đó vốn do người dân và doanh nghiệp đóng góp gần 20 tỷ đồng, từ năm 2011 đến nay, các địa phương trong huyện đã "cứng" hóa 70,36/617,52km đường trục thôn bản, ngõ xóm (tăng 88,95% so với năm 2010).
Nói về phương hướng phát triển GTNT, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Hữu Khởi cho biết thêm: Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát động các phong trào xã hội hóa trong phát triển GTNT rộng khắp tại các địa phương. Thực tế, hoạt động này trong thời gian qua mới được triển khai tốt ở một số xã, nơi mà cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước để tự nguyện đóng góp, bàn bạc, giám sát và trực tiếp tham gia làm đường giao thông. Do vậy, việc nêu gương, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm phong trào xã hội hóa phát triển kết cấu hạ tầng GTNT ở những xã điển hình là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.