Quảng Trị: Để bản làng không có tai nạn giao thông

Thứ sáu, 27/02/2015 13:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát huy vai trò của các “đội tuyên truyền xung kích” gắn với đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) cho đồng bào các dân tộc thuộc 5 xã vùng dự án KT-QP Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được xem là cách làm thiết thực của Đoàn KT-QP 337. Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông và Luật GTĐB của người dân, từ đó giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra

7 giờ tối, tại sân nhà văn hóa cộng đồng thôn Coóc, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, bà con nhân dân đã tề tựu đông đủ. Trên khán đài, các thành viên “đội tuyên truyền xung kích” thuộc Trung đoàn 52 đang hoàn tất công tác chuẩn bị. Sau các tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn”, màn hình máy trình chiếu lần lượt xuất hiện các clip về tình hình tai nạn giao thông; những tình huống tai nạn giao thông; những lỗi vi phạm Luật GTĐB thường gặp, mức xử phạt hành chính; những hành vi bị cấm; một số biển báo giao thông có liên quan...

MC Võ Văn Cảnh, trí thức trẻ tình nguyện Trung đoàn 52 bắt đầu buổi tuyên truyền bằng những câu hỏi trắc nghiệm những kiến thức, hiểu biết về an toàn giao thông và Luật GTĐB. Lúc đầu bà con còn e ngại, nhưng bằng kỹ năng dẫn dắt, khêu gợi khéo léo của MC Võ Văn Cảnh, bà con đã mạnh dạn nêu câu hỏi, thắc mắc như: Quy định về thi lấy bằng lái xe đối với người không biết chữ; độ tuổi tham gia giao thông; uống rượu khi lái xe, không có bằng lái xe, lứa tuổi tham gia điều khiển phương tiện xe máy... Với sự hỗ trợ của tổ tư vấn, MC Võ Văn Cảnh lần lượt phúc đáp những thắc mắc của bà con...

Một buổi tuyên truyền Luật GTĐB cho học sinh Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa

Một buổi tuyên truyền Luật GTĐB cho học sinh Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa

Tiếp xúc với anh Hồ Văn Tuân, người Vân Kiều, thôn Coóc, xã Hướng Linh chúng tôi được biết, cách đây không lâu, do không hiểu quy định về thi lấy bằng lái xe cho người không biết chữ nên anh Tuân không đi học và thi bằng lái xe, vì thế anh không hiểu gì về Luật GTĐB. Dù chưa có bằng lái xe, không hiểu luật nhưng anh vẫn điều khiển xe máy và gây tai nạn do uống rượu. Khi được xem những hình ảnh, clip về các tình huống tai nạn giao thông, anh Tuân mới nhận ra: “Gia đình tôi làm nương rẫy, thường sử dụng xe máy để chở hàng cồng kềnh, không đội mũ bảo hiểm như vậy mà không biết bị vi phạm Luật GTĐB và mức xử phạt. Bây giờ biết rồi thì sợ lắm. Tôi sẽ đăng ký đi học để hiểu Luật GTĐB và thi lấy bằng lái xe máy”...

Thượng úy Lương Tiến Sỹ, trợ lý quần chúng, Phòng Chính trị, Đoàn KT-QP 337 chia sẻ: “Khi làm kế hoạch, xây dựng đề cương tuyên truyền Luật GTĐB, các thành viên “đội tuyên truyền xung kích” đã đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, tài liệu, hình ảnh, clip có liên quan; trên cơ sở đó, chuẩn bị kịch bản, đề cương powerpoint... nhằm chuyển tải đến đối tượng những thông tin trực quan thiết thực, bổ ích, phù hợp với nhận thức của bà con”.

Để người dân tiếp cận và hiểu rõ, nắm chắc hơn Luật GTĐB, Đoàn KT-QP 337 đã chỉ đạo thành lập các “đội tuyên truyền xung kích”, trong đó nòng cốt là cán bộ, đoàn viên thanh niên và lực lượng trÍ thức trẻ tình nguyện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định, văn bản hướng dẫn về an toàn giao thông, Luật GTĐB... Hình thức tuyên truyền được lồng ghép giữa tuyên truyền miệng; hỏi - đáp và thi tìm hiểu về Luật GTĐB; băng rôn, tờ rơi... kết hợp trình chiếu powerpoint với các hình ảnh về tai nạn giao thông thường gặp, các tình huống tai nạn có thể xảy ra; hướng dẫn các kỹ năng xử lý khi bị tai nạn, giải thích hệ thống biển báo giao thông... Trong đó đi sâu “4 không”: Không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia; phóng nhanh, vượt ẩu; chở quá tải, quá khổ, quá số người cho phép... Không sử dụng phương tiện khi chưa đăng ký hoặc bị cấm lưu hành. Không điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe. Không lấn chiếm lòng, lề đường. “3 có”: Có đầy đủ giấy tờ khi tham gia giao thông. Có đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn. Có đủ trang thiết bị cần thiết như còi, đèn, gương chiếu hậu, hệ thống phanh. Có ý thức chấp hành tốt những quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng địa phương, hiện trên địa bàn 5 xã vùng dự án KT-QP Khe Sanh, tình hình vi phạm các quy định về an toàn giao thông và Luật GTĐB nói chung và tai nạn giao thông nói riêng đã giảm đáng kể. Tình trạng người dân, nhất là thanh niên chạy xe quá tốc độ, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông, sử dụng xe đầu kéo chở hàng cồng kềnh... đã và đang từng bước được kiểm soát.

Thượng tá Hồ Văn On, Phó Trưởng Công an huyện Hướng Hóa cho biết: “Bằng sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương gắn với việc mở rộng nhiều kênh tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB, các “đội tuyên truyền xung kích” thuộc Đoàn KT-QP 337 đã về tận các địa bàn, đến tận từng nhà dân để tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông. Nhờ đó, ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân đã được nâng lên. Nếu như trước đây, việc đội mũ bảo hiểm đối với người dân chỉ là đối phó thì nay, tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã được nâng lên 80 - 90%. Tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả về quy mô, tính chất” .

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mỗi cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 337 được ví như một tuyên truyền viên, tình nguyện viên đem kiến thức, hiểu biết về an toàn giao thông và Luật GTĐB đến với đồng bào Vân Kiều. Mỗi việc làm của họ trực tiếp góp phần hạn chế, giảm thiểu tình hình và nguy cơ gây tai nạn giao thông, để bản làng không có tai nạn giao thông là niềm vui của mỗi người.

xuannguyen

Nguồn: Báo Quảng Trị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)