Sau nhiều đợt giảm giá xăng dầu, giá cước vận tải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giảm mạnh từ 3% đến 44%, thậm chí nhiều tuyến giá cước quay về mức giá năm 2012. Đây được xem là động thái tích cực nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính cho người dân cũng như việc thực hiện tốt các chủ trương giảm giá cước theo nhiên liệu của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Với mức giá dầu diesel xuống thấp hiện nay (13.570 đồng/lít tại vùng II), nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng lên phương án và thông báo giảm giá. Nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách thì đây được xem là một cuộc giảm giá lớn khi mà giá cước tuyến Gia Lai - TP. Hồ Chí Minh quay về mức giá thấp nhất trong 3 năm qua.
Quyết định đưa mức giá cước tuyến Gia Lai - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại từ 280.000 đồng/vé xuống còn 250.000 đồng/vé, ông Đặng Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Thuận Tiến Gia Lai cho biết: Đơn vị đã nghiên cứu, khảo sát rồi mới lên phương án giảm giá. Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý, năng lực nhân sự, giảm tối đa các chi phí phát sinh thì việc giảm giá lần này còn được tính toán dựa trên cơ sở giá nhiên liệu giảm, hơn nữa chất lượng quãng đường từ Gia Lai vào TP. Hồ Chí Minh cũng đã thuận lợi hơn trước…
Ngoài hãng xe Thuận Tiến, nhiều hãng xe khách chạy tuyến Gia Lai - TP. Hồ Chí Minh như Đức Đạt Thành, Gia Phúc, Thuận Ý, Hồng Hải, Bảy Lang, Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Pleiku… cũng giảm giá cước xuống còn 250.000 - 260.000 đồng/vé. Một số tuyến huyện như Kbang, An Khê - TP. Hồ Chí Minh cũng giảm giá cước từ 310.000 đồng/vé xuống còn 290.000 đồng/vé, tuyến Đức Cơ - TP. Hồ Chí Minh giảm còn 280.000 đồng/vé… Các tuyến từ Gia Lai đi ra phía Bắc cũng giảm khoảng 3 - 7% như: tuyến Pleiku - Hà Nội giảm từ 620.000 đồng/vé còn 600.000 đồng/vé, Pleiku - Thanh Hóa giảm còn 550.000 đồng/vé, Pleiku - Vinh giảm còn 500.000 đồng/vé...
Riêng các tuyến đi nước ngoài (Lào, Campuchia) giá cước được giảm sâu “kỷ lục”, chẳng hạn hãng xe Diên Hồng đã giảm giá cước từ Pleiku - Attapeu từ 170.000 đồng/vé xuống còn 120.000 đồng/vé (giảm 29,41%); tuyến Pleiku-Sê Kông từ 250.000 đồng/vé xuống còn 140.000 đồng/vé (giảm 44%); Pleik - Campuchia từ 170.000 đồng/vé giảm còn 100.000 đồng/vé (giảm 41%)…
Đối với loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa - thường chỉ giảm giá theo mùa (hàng ít hoặc nhiều) hoặc tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các hãng xe với chủ hàng thì tại thời điểm này, khi giá dầu xuống thấp đã có một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn cũng đã có thông báo giảm giá. Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân Tấn Duy thông báo giảm giá đối với việc vận chuyển hàng hóa như xi măng, sắt, thép, cà phê... từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh với giá cước 600.000 - 800.000 đồng/tấn xuống còn 550.000 - 750.000 đồng/tấn (giảm 7%). Ngoài ra, hàng hóa vận chuyển đến các điểm khác cũng giảm giá tương ứng như: Gia Lai - Bình Dương giảm 12,9%, Gia Lai - Đồng Nai giảm 3,7%.
Ngược với tình hình trên, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi trên địa bàn hiện vẫn giữ nguyên giá cước. Lý giải điều này, các đơn vị taxi cho rằng mức giá cước taxi được xây dựng vào thời điểm giá xăng chỉ 15.980 đồng/lít trong khi giá hiện tại là 18.280 đồng/lít - vẫn cao hơn so với bảng giá cũ. Hơn nữa, trong thời gian qua cũng có nhiều lần giá xăng tăng liên tục nhưng giá cước taxi vẫn không điều chỉnh tăng thêm. Việc điều chỉnh buộc doanh nghiệp taxi phải kiểm định lại đồng hồ cũng gây tốn kém thời gian và tiền bạc…