Nằm trong chương trình thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, 3 xã đặc biệt khó khăn Đác Na, Đác Sao (huyện Tu Mơ Rông) và xã Đác Trăm (huyện Đác Tô) của Kon Tum đã được đầu tư xây dựng 5 cầu treo dân sinh với tổng kinh phí gần 28 tỷ đồng thay thế cho các cầu treo tạm trước đây.
Sau gần ba tháng xây dựng, cả 5 cầu treo đã cơ bản hoàn thành để bàn giao cho các địa phương phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của bà con.
Ông A Lôk ở làng Năng Lớn 1, xã Đác Sao huyện Tu Mơ Rông, địa phương vừa được xây cầu treo Năng qua suối Đác Né với kinh phí hơn sáu tỷ đồng cho biết: dân làng rất vui vì có cầu treo mới. Mùa mưa lũ này không lo qua suối nữa. Lúa, sắn, bắp, cà-phê... sản xuất bên kia suối đều được chở về làng thuận lợi, an toàn.
Cầu treo Năng bắc qua suối Đác Né xã Đác Sao là một trong năm cầu treo
sắp được bàn giao cho bà con đồng bào DTTS vùng sâu tỉnh Kon Tum
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông A Hơn cho biết, Đác Na và Đác Sao là hai xã nằm ở phía tây của huyện, hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là các xã nằm ở rốn lũ của trận lũ lịch sử năm 2009 của địa phương. Hầu hết các công trình dân sinh trên địa bàn đã bị mưa lũ phá hoại. Hơn sáu năm trận lũ lịch sử đã đi qua nhưng đến nay có nhiều hạng mục như cầu treo, ruộng nước, kênh mương, đập thủy lợi… ở đây vẫn chưa khắc phục được.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó giám đốc ban Quản lý dự án Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết: Theo Đề án xây dựng cầu treo dân sinh lần này của Bộ Giao thông vận tải, tất cả các cầu được thiết kế chắc chắn. Các phần kết cấu thượng bộ như cáp, cổng cầu, mặt cầu, lan can do Phân viện khoa học và công nghệ Giao thông vận tải phía nam thực hiện; các đơn vị thi công địa phương chịu trách nhiệm phần hạ bộ như móng cầu, cột néo và lắp ráp và lắp ráp phần hạ bộ… Vì vậy sau khi hoàn thành các cầu treo đều có tính thẩm mỹ khá cao, bảo đảm an toàn chắc chắn cho người và phương tiện qua lại trên cầu theo đúng quy định tải trọng ghi ở hai đầu cầu.
Mặc dù chưa khánh thành đưa vào sử dụng, nhưng theo ý kiến của các địa phương, huyện và các xã nơi được xây dựng cầu, việc duy tu, bảo dưỡng cầu nếu giao cho các xã sẽ gặp nhiều khó khăn. Cần phải có các chương trình tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cẩn thận cho các địa phương để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đúng định kỳ. Và trước hết là giao trách nhiệm cho các địa phương nơi được xây dựng cầu nêu cao ý thức tự giác thường xuyên kiểm tra bảo đảm các lan can, ốc vít, thanh giằng không bị rơ lỏng, tháo trộm, bảo đảm an toàn cho cây cầu cũng là an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.