Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi, có cảng biển lâu đời, hội tụ đủ các loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Lợi thế đó đưa Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính của cả miền Bắc, kết nối với các tỉnh ven biển duyên hải Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội, đặc biệt là đầu mối của các tuyến giao thông hàng hải quốc tế luôn nhộn nhịp hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực phía Bắc.
Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Trong nhiều năm qua, được sự giúp đỡ của Trung ương và các tổ chức quốc tế, nhất là nỗ lực của thành phố, hạ tầng giao thông Hải Phòng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Từ cảng biển, đường thủy nội địa, giao thông kết nối sau cảng, đường hàng không đều có sự đổi thay vượt bậc. Có thể kể đến các dự án lớn như: đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, cảng Lạch Huyện, đường Tân Vũ- Lạch Huyện, dự án nâng cấp QL10, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Cát Bi, dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ, dự án cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến… Trên địa bàn thành phố, các dự án giao thông như: cải tạo nâng cấp đường 356 đoạn 2A, đoạn Hiền Hào - Áng Sỏi (Cát Hải), dự án phát triển giao thông đô thị, dự án nâng cấp đô thị… góp phần thay đổi lớn diện mạo của thành phố Cảng.
Thi công dự án cầu Bạch Đằng và nút giao thông cuối tuyến theo hình thức BOT
Thực tế cho thấy, việc huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng mang lại những hiệu quả tích cực. Không kể các dự án lớn với hàng trăm nghìn tỷ đồng đang được đầu tư hướng về Hải Phòng, các dự án của thành phố về phát triển giao thông thúc đẩy phát triển KTXH thành phố như dự án nâng cấp đường 356 đoạn 2A đường trục khu công nghiệp Đình Vũ, dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng... Tại các địa phương, tuy chưa được nâng cấp nhiều về giao thông vì hạn chế nguồn vốn, song hầu hết những tuyến đường được cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp. Luồng hàng hải Hải Phòng đang trong quá trình thực hiện dự án nạo vét trọn gói giai đoạn 2015-2016 theo chỉ đạo của Chính phủ đã góp phần tạo điều kiện cho hàng trăm con tàu lớn vào cảng. Các doanh nghiệp cảng cùng với Nhà nước tham gia nạo vét thủy diện trước bến, tạo độ sâu để thu hút tàu hàng. Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với sự tham gia của thành phố, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay sẽ được hoàn thành toàn bộ trong tháng 5-2016 là điều kiện chắp cánh cho thành phố vươn xa.
Tới đây, ngành Giao thông- Vận tải Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế thực hiện đầu tư, mở rộng, nâng cấp tuyến QL10, QL37, đường bộ ven biển, đường nối QL5 với QL10; xây dựng các tuyến đường vành đai, trục chính đô thị, cầu vượt, các nút giao thông bằng các hình thức huy động vốn phù hợp. Đối với các tuyến tỉnh lộ sẽ hoàn thiện theo hướng kết nối đô thị - nông thôn và giữa các khu vực nông thôn, tập trung xây dựng cầu vượt sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Đa Độ… Đường nông thôn bảo đảm kết nối thông suốt giữa các các xã góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các bến, bãi đỗ xe nâng cao năng lực phục vụ và tiếp tục phát triển mới các bến xe khách liên tỉnh ở ngoài khu vực đô thị trung tâm. Trong nội thành, tiếp tục đầu tư tuyến đường Nguyễn Văn Linh- Hồ Sen, đường Đông Khê 2, xây 2 nút giao khác mức, cải tạo, mở rộng đường hè các tuyến trục chính như: Tô Hiệu, Lạch Tray, Đà Nẵng, Trần Nguyên Hãn…
Trước yêu cầu phát triển của thành phố, việc đẩy mạnh đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông là nhu cầu cấp thiết. Trong những năm tới cùng với sự phát triển của thành phố, giao thông vận tải song hành, tạo sự cân bằng giữa đầu tư và công năng sử dụng, bảo đảm tính kết nối và phát huy năng lực của các phương thức vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố và vùng.
Kết nối hiệu quả 5 loại hình giao thông
Là địa phương có thế mạnh của phía Bắc khi có đủ 5 loại hình giao thông gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đường sắt và đường hàng hải. Thực tế cho thấy, 5 loại hình giao thông này của Hải Phòng là điều kiện thuận lợi để hàng loạt các doanh nghiệp vận tải đa phương thức phát triển. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các loại hình giao thông chưa tạo sự đột phá mạnh mẽ khi vận tải hàng hóa sau cảng chủ yếu bằng đường bộ. Vì vậy, ngành GTVT Hải Phòng phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội đến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; tuyến đường sắt vùng duyên hải Bắc Bộ và nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có để tăng năng lực vận tải hàng hóa và hành khách. Đối với đường hàng hải, ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình triển khai xây dựng dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, ngành GTVT Hải Phòng tập trung xã hội hóa, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ GTVT, thành phố đầu tư hạ tầng các tuyến vận tải hàng hóa và hành khách. Đối với đường hàng không, tham gia đề xuất với Bộ GTVT mở các tuyến bay quốc tế đi/đến Hải Phòng.
Hải Phòng sẽ phát triển hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải để hình thành mạng lưới vận tải thông suốt. Phát triển vận tải với chất lượng cao, giá cả hợp lý; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác vận tải; phát triển vận tải đa phương thức và logistics; phát triển vận tải theo hướng tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG), thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, Thành phố sẽ hình thành 3 hành lang vận tải đường bộ chủ yếu gồm: hành lang Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái; Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình. Tuyến luồng hàng hải, hàng không giữ vai trò chủ lực về xuất nhập khẩu, kết nối Hải Phòng với thế giới.
Với yêu cầu giao thông hiện tại, Hải Phòng thực hiện các giải pháp về giao thông thông minh, kiểm soát, điều phối từ xa phương tiện, hệ thống giao thông bằng hình ảnh, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Là cơ quan tham mưu của thành phố, ngành GTVT Hải Phòng sẽ nỗ lực huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động GTVT; chủ động ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… góp phần đưa thành phố Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.