Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 10/12/2015 14:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, tạo tiền đề phát triển KT-XH. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở GTVT, về vấn đề này.
Ông Trần Thanh Dũng

* Xin ông cho biết về thực trạng hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?

- Toàn tỉnh Bình Định hiện có 5 tuyến quốc lộ (QL) đi qua gồm QL1, QL1D, QL19, QL19B, QL19C, với tổng chiều dài 308,5 km; có 13 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 490 km; cùng với hệ thống đường đô thị và giao thông nông thôn (GTNT) dài 9.437 km. Hiện nay, ngoài tuyến QL1, QL1D, QL19 đã và đang được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, mở rộng; còn lại QL19B, QL19C và nhiều tuyến thuộc hệ thống đường địa phương trong thời gian dài chưa được đầu tư sửa chữa định kỳ theo quy trình bảo trì, cũng như chưa được nâng cấp, mở rộng. Công tác bảo trì chủ yếu là sửa chữa thường xuyên như vá “ổ gà”, nâng cấp mặt đường, đắp phụ lề đường...

Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông trong tỉnh do cấp thiết kế nền đường thấp, mặt đường nhỏ hẹp (tải trọng thiết kế cầu H13, đường thiết kế trục xe 10 tấn, cấp kỹ thuật chủ yếu là đường cấp VI, nền đường rộng 6,5 m; bề rộng mặt đường 3,5 m), không theo kịp sự phát triển của các phương tiện vận chuyển, tải trọng khai thác luôn lớn hơn rất nhiều so với tải trọng thiết kế cầu đường. Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa lũ hàng năm, nên hầu hết các tuyến đường tỉnh phần lớn bị ngập nước, nên đều đã xuống cấp, hư hỏng.

* Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vậy mục tiêu phát triển hệ thống GTVT của tỉnh trong thời gian đến sẽ như thế nào?

- Xác định việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, thúc đẩy phát triển KT-XH, ngày 8.10.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3507/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020, hệ thống GTVT tỉnh Bình Định sẽ đạt được các mục tiêu cơ bản, gồm: Từng bước đầu tư nâng cấp đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống QL, tỉnh lộ và mở mới một số tuyến giao thông cần thiết. Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, hệ thống cầu, cống trên mạng lưới đường đồng bộ với cấp đường. Hoàn thiện mạng lưới đường GTNT theo tiêu chuẩn nông thôn mới phù hợp với Chiến lược phát triển GTNT Việt Nam. Chú trọng công tác bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường nguồn vốn bảo trì hệ thống đường GTNT.

Về đường biển, tiến hành mở rộng cảng biển Quy Nhơn gồm khu bến Quy Nhơn - Thị Nại, khu bến Nhơn Hội, các bến địa phương… thành cảng biển hiện đại. Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam theo hướng hiện đại hóa. Xây dựng một số ga đường sắt theo hướng là các trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa chất lượng cao, khối lượng lớn. Nâng cấp một số tuyến đường thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định. Đầu tư xây dựng mới một số bến thuyền du lịch ven đầm Thị Nại, phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế. Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Phù Cát đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế cấp 2.

Về vận tải, mục tiêu phát triển đến năm 2020, khối lượng vận chuyển hành khách bình quân đạt 40,3 triệu lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,6%/năm. Khối lượng vận chuyển hàng hóa bình quân đạt 33,2 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5%/năm. Đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hành khách bình quân đạt 69,5 triệu lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,14%/năm. Khối lượng vận chuyển hàng hóa bình quân đạt 72,8 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2%/năm.

QL1 đoạn qua địa bàn xã Phước Lộc (Tuy Phước) vừa được nâng cấp, mở rộng.

* Để thực hiện các mục tiêu kế hoạch như trên, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư và các giải pháp, chính sách thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ ngân sách địa phương giai đoạn 2015-2020 dự kiến là 8.341 tỉ đồng, trong đó, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 5.115 tỉ đồng; đường GTNT 2.416 tỉ đồng; đường đô thị 700 tỉ đồng; xây dựng các bến bãi đỗ xe 110 tỉ đồng. Tiếp theo giai đoạn từ năm 2021-2030 dự kiến vốn đầu tư là 10.316 tỉ đồng, trong đó nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 8.264 tỉ đồng; xây dựng đường GTNT 891 tỉ đồng; xây dựng các bến bãi đỗ xe 211 tỉ đồng; đường đô thị 950 tỉ đồng. Tổng diện tích đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 3.303 ha; đến năm 2030 là 3.737 ha.

Về cơ chế chính sách và giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, tỉnh sẽ đa dạng hóa việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức đầu tư khác nhau, như: BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư). Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư một số công trình giao thông quan trọng, cấp bách; đồng thời ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững ta luy đường để chống sạt lở cho hệ thống giao thông. Tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ trong quản lý, xây dựng công trình giao thông nhằm theo kịp xu thế phát triển của thời đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.

* Xin cảm ơn ông!

hoavt

Nguồn: Báo Bình Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)