Nâng cao năng lực vận tải đường thủy Thái Bình

Thứ sáu, 18/12/2015 14:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thái Bình phấn đấu đến năm 2020 giao thông đường thủy có thể đảm nhiệm vận chuyển từ 20 - 25% lượng hàng hóa, từ 5 - 10% lượng hành khách lưu thông trong tỉnh. Trong tương lai, hệ thống giao thông đường thủy sẽ kết nối với các phương thức vận tải khác, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Vận tải đường sông tại Thái Bình hiện chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng

Vận tải đường sông tại Thái Bình hiện chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng

Những năm qua, giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần làm cho diện mạo của tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, phát triển giao thông đường thủy tại tỉnh ta đang là một trong những định hướng quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 4 sông lớn thuộc hệ thống đường thủy nội địa quốc gia là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý với tổng chiều dài 268km, 1 tuyến đường biển ven bờ. Tuy có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy song hệ thống sông ngòi chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính, việc phát triển mạng lưới giao thông đường thủy ở Thái Bình còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài vận tải đường biển, hầu hết các phương tiện vận tải đường sông chỉ vận chuyển vật liệu xây dựng và chất đốt. Nhiều tuyến đường sông nội địa chưa được nâng cấp và bảo trì thường xuyên, do vậy, hoạt động giao thông đường thủy nội địa phụ thuộc vào tự nhiên như mùa mưa và thủy triều dâng... Bên cạnh đó, các cây cầu được xây dựng từ lâu, không bảo đảm điều kiện tĩnh thông tàu, thuyền; tình trạng lòng sông bị ách tắc bởi chướng ngại vật còn diễn ra nhiều... Vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa chiếm khoảng 30% khối lượng vận chuyển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.012 phương tiện vận tải thủy nội địa với tổng công suất 132.000CV. Vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa chủ yếu là hoạt động của các bến phà và bến đò. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 bến phà, 84 bến khách ngang sông, 100% các bến đã được cấp phép và quản lý hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải biển, trong đó 160 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp vận tải biển có quy mô vừa và nhỏ. Thị trường vận chuyển từ miền Bắc vào các tỉnh miền Nam, chủ yếu là than, xi măng, clanke, sắt, phân đạm… Tuy còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua vận tải đường thủy nội địa và đường biển đã được xã hội hóa, các thành phần kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt là vận tải biển trong tỉnh và trong khu vực, bước đầu phát huy được thế mạnh là loại hình vận tải với khối lượng lớn, an toàn, ít gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Quang Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Mạng lưới giao thông Thái Bình hiện nay chỉ có thể phát triển hai loại hình là giao thông đường bộ và giao thông đường thủy. Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã được đầu tư mạnh mẽ, từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay thì hệ thống giao thông đường bộ đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển các mặt hàng có khối lượng lớn, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng. Trong khi đó, Thái Bình có mạng lưới sông ngòi rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã hoàn thiện Quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, giao thông đường thủy sẽ được đầu tư xây dựng và phát triển có thể đảm nhiệm chuyên chở từ 20 - 25% lượng hàng hóa, từ 5 - 10% lượng hành khách lưu thông trong tỉnh, trong đó, vận tải đường thủy nội địa được xác định sẽ đảm nhiệm vận chuyển 50% lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường thủy. Trong thời gian tới, Thái Bình tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải trên phạm vi toàn tỉnh và trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

bichtt

Nguồn: Báo Thái Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)