Những đột phá phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội

Thứ ba, 02/02/2016 08:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chưa có giai đoạn nào mà hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô lại có những bước phát triển vượt bậc như những năm vừa qua, với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương; sự chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã cho những "quả ngọt"…

Hạ tầng đi trước một bước

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, một trong những kết quả nổi bật mà Hà Nội và Sở GTVT đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015 là triển khai hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU về đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, Chương trình số 07-CTr/TU về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường TP Hà Nội. Hai chương trình này là những bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV và cũng là cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TƯ (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT thực sự đi trước một bước. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GT-VT hoàn thành các dự án giao thông quan trọng, như tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường 5 kéo dài, đường Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài; các cầu Vĩnh Thịnh, Phù Đổng 2, Nhật Tân; Nhà ga T2-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Thành phố cũng đã ưu tiên nguồn lực chủ động đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài, quốc lộ 32, kết nối các đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, cầu Mỗ Lao, đường Trần Phú - Kim Mã, 7 cây cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông, đầu tư xây dựng Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông... Những công trình này đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn, từng bước tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại.

Trong những ngày đầu năm 2016, một loạt công trình giao thông trọng điểm cũng được Bộ GT-VT và Hà Nội tổ chức thông xe, như nút giao thông Thanh Xuân và nút giao thông Trung Hòa (sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản); đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy (nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới); nút giao trung tâm quận Long Biên (triển khai theo hình thức hợp đồng BT với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân là Công ty CP Him Lam)… Đây đều là những nút giao, hầm chui quy mô lớn, hiện đại, quá trình thi công đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao.

Tiếp tục là khâu đột phá

Cùng quan điểm hạ tầng giao thông góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Thủ đô Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ của Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu của Bộ tham gia thi công các công trình trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng, phân luồng và hướng dẫn giao thông, bảo vệ an ninh trật tự… Năm 2016 và các giai đoạn tiếp theo, Sở GTVT Hà Nội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực GTVT; tiếp tục điều chỉnh triển khai hệ thống giao thông, kết nối khu vực các tỉnh phía Bắc và phía Nam; đầu tư hoàn thành tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2.

Bộ cũng sẽ tiếp tục cùng Hà Nội đầu tư Vành đai 4. Riêng đường Vành đai 3 (đoạn cầu Mai Dịch-Thăng Long) sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2016…

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI (2015-2020) tiếp tục xác định phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn là một trong ba khâu đột phá. Trong nhiệm kỳ này, thành phố tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị, cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai; cải tạo, nâng cấp các trục đường hướng tâm; tiếp tục xây dựng, hiện đại hóa hệ thống quản lý, điều hành giao thông công cộng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để chuyển dần các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và các bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành.

Sở đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo tập trung rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội trên cơ sở phù hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050; lựa chọn các công trình giao thông quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp khả năng huy động nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, tạo sự liên kết và phát triển kinh tế của khu vực trọng điểm phía Bắc và phát triển kinh tế vùng Thủ đô; hoàn thiện cơ chế quản lý, khuyến khích và thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, BT, BOT... cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đầu tư và việc quản lý khai thác, sử dụng sau đầu tư. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ từng bước xây dựng hạ tầng giao thông đô thị văn minh, hiện đại, là tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung./.

kimcuc

Nguồn: Báo: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)