Nhằm đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, ngày 23/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, đại diện các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tuyến đường đi qua và Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã họp, đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Phun bê tông vỏ hầm qua núi Eo, xã Duy Trinh thi công xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Do bức xúc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian qua một số hộ dân đã có hành vi quá khích, ngăn chặn hoạt động thi công.
Để đảm bảo tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam cam kết cung cấp đủ vốn, giải ngân kịp thời cho nhà thầu và giải quyết nhanh vướng mắc phát sinh.
Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ giải quyết nhanh thủ tục nghiệm thu, thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam dài gần 92km, đến thời điểm này có trên 95% mặt bằng đã được bàn giao, gần 5% chiều dài còn vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật và nan giải nhất là giải quyết đòi hỏi về quyền lợi của nhân dân.
Theo lãnh đạo một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như huyện Phú Ninh, Núi Thành và thị xã Điện Bàn, đa số các hộ chưa nhận tiền để bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đều cho rằng giá đền bù đất thu hồi thấp hơn nhiều so với giá thị trường và có sự chênh lệch giữa các hộ dẫn đến sự so bì trong các hộ có tài sản, đất đai, vật kiến trúc bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các huyện Phú Ninh, Núi Thành và thị xã Điện Bàn tổ chức đối thoại, giải thích, vận động nhân dân sớm nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng; đồng thời rà soát, kịp thời bổ sung những thiếu sót trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng phải dựa trên cơ sở không để người dân chịu thiệt thòi nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước; hộ tái định cư phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ.
Các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa trong công tác chuyển đổi ngành nghề và ưu tiên tạo việc làm cho con em nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các nhà thầu thi công thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc chở hàng hóa, vật liệu đúng tải trọng cầu, đường và sửa chữa kịp thời những hư hỏng trên các tuyến đường địa phương được đơn vị thi công sử dụng làm đường công vụ phục vụ thi công công trình để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân.
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140 km, có tổng vốn đầu tư gần 1,7 tỷ USD; chia thành 13 gói thầu xây lắp, trong đó có 8 gói thầu thuộc phần vốn JICA tài trợ và 5 gói thầu thuộc phần vốn vay của tổ chức WB.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội trong khu vực phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Khi đi vào khai thác, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không những thúc đẩy phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trong khu vực mà còn góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế giữa các nước Lào - Campuchia - Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông - Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam.