Giai đoạn 2011 - 2015 với quyết tâm chính trị cao, cùng với các giải pháp thực hiện đồng bộ, sự đồng thuận của nhân dân, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ để lại dấu ấn đậm nét, thực sự là khâu đột phá quan trọng. Bước sang giai đoạn mới, 2015 - 2020 giao thông vẫn phải đi trước làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang.
Thực trạng giao thông của tỉnh
Hệ thống đường bộ toàn tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài 6.055 km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ gồm Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 37 và Quốc lộ 279 với tổng chiều dài hơn 451 km; 6 tuyến đường tỉnh có tổng chiều dài hơn 372 km; đường đô thị 247 km; đường huyện hơn 946 km, đường xã và trục thôn hơn 4.037 km.
Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư và đã xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 317 km đường quốc lộ, 3 cây cầu lớn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm cầu Kim Xuyên (Sơn Dương), cầu Tứ Quận (Yên Sơn), cầu Ba Đạo (Nà Hang); 289 km đường tỉnh; 93 km đường đô thị; 227 km đường huyện. Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa hệ thống, đạt tỷ lệ 95% được nhựa hóa. Đặc biệt, thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh đã xây dựng trên 2.700 km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn vốn huy động trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, nhà nước hỗ trợ 48%.
Giai đoạn qua tỉnh cũng đã hoàn thành xây dựng 4 bến xe khách, gồm bến thị trấn huyện Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương. Đồng thời xây dựng các tuyến xe buýt gồm: TP Tuyên Quang - thị trấn Sơn Dương - Đại học Tân Trào; TP Tuyên Quang - Thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); TP Tuyên Quang - Km 20 Quốc lộ 2 đường Tuyên Quang - Hà Nội, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng thay cho phương tiện cá nhân lưu thông trên tuyến.
Mặc dù, giai đoạn vừa qua giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng Tuyên Quang là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, có độ dốc lớn nên việc phát triển hệ giao thông luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển giao thông nông thôn. Các tuyến đường tuy đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đồng bộ. Hệ thống đường đã đưa vào cấp kỹ thuật chủ yếu là đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị. Chất lượng nhiều tuyến đường vẫn còn xấu. Tỷ lệ đường quốc lộ xấu vẫn còn 10,73%, đường tỉnh còn 27%, nên khả năng kết nối còn hạn chế, đường huyện, chất lượng mặt đường xấu chiếm trên 35% gây khó khăn đi lại cho người dân và vận chuyển hàng hóa, nhất là vào mùa mưa. Hệ thống giao thông nông thôn chưa được quy hoạch nên việc đầu tư xây dựng chưa tạo được sự gắn kết liên hoàn thông suốt từ lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn. Giao thông đường thủy chưa phát triển mạnh, chủ yếu các phương tiện hoạt động trên tuyến sông Lô, chưa có hệ thống cảng thủy nội địa.
Định hướng phát triển giao thông giai đoạn 2016-2020
Theo đánh giá của ngành giao thông, giai đoạn hiện nay tốc độ tăng khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách, hàng hóa tăng mạnh, bình quân giai đoạn 2016 -2020 tăng trên 9% đối với hành khách, gần 5% đối với hàng hóa. Chúng ta đều biết định hướng của tỉnh trong giai đoạn tới tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, muốn làm được điều đó thì vai trò của giao thông là vô cùng quan trọng, nhất là đối với giao thông nông thôn. Hiện giao thông nông thôn đang được triển khai thực hiện công tác quy hoạch.
Để mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang phát triển là tiền đề tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, tỉnh đặt ra mục tiêu phải tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, tạo sự gắn kết liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn xã. Tiếp tục thực hiện chính sách bê tông hóa giao thông nông thôn ở những nơi còn khó khăn, cứng hóa đường giao thông nội đồng với quy mô phù hợp. Phát triển giao thông nông thôn phải gắn kết với các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội như xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới tỉnh Tuyên Quang tập trung phối hợp với Trung ương xây dựng đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Lào Cai - Hải Phòng; xây dựng 2 tuyến đường dọc bờ sông Lô từ trung tâm thành phố đến đường dẫn cầu Bình Ca với chiều dài 19,5 km; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh. Cụ thể, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua các khu vực đông dân cư đạt tiêu chuẩn cấp II miền núi với 2 làn xe; quốc lộ 2C đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe từ thành phố Tuyên Quang tới thị trấn Chiêm Hóa, quy hoạch bổ sung nối dài; triển khai xây dựng cầu Bình Ca (Yên Sơn), cầu Tình Húc (thành phố Tuyên Quang); cải tạo và nâng cấp, điều chỉnh các hướng tuyến, quy hoạch bổ sung các tuyến đường tỉnh, các tuyến đường đô thị, đường huyện. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái.
Cùng với đó, xây dựng các tuyến vận tải thủy chính như tuyến sông Lô từ cảng Việt Trì - ngã ba Lô - Gâm Tuyên Quang cấp III dài 115 km; chỉnh trị, nạo vét thanh thải luồng tuyến đảm bảo tàu 200 đi lại bốn mùa; tuyến vùng hồ thủy điện Tuyên Quang từ đập thủy điện Tuyên Quang lên thượng lưu cấp III dài 16 km. Thu hút các nguồn vốn đầu tư vào 2 cảng sông gồm: Cảng An Hòa, cảng thành phố Tuyên Quang và một số bến khách vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.